Tránh chồng chéo trong ​xử phạt vi phạm giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập trung đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về ATGT, tăng nặng mức xử phạt… là các giải pháp đang được Chính phủ, các tỉnh, TP tập trung triển khai để giảm thiểu ùn tắc và TNGT.

Hiện các giải pháp trên đã và đang phát huy hiệu quả, tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, hiện mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa rõ ràng và đủ sức răn đe nên các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc và TNGT vẫn xảy ra. Do đó, việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ; cũng như làm rõ một số định nghĩa, phạm vi và hình thức xử phạt đang là việc làm cần thiết.

Thay đổi thói quen, định nghĩa rõ ràng

Theo nhiều chuyên gia, trước hết cần thay đổi thói quen đã trở thành “Luật bất thành văn”: Xe lớn phải đền cho xe bé khi va chạm giao thông. Ví dụ: Thả rông trâu bò ra đường nếu có bị xe đâm thì chủ xe phải đền, hay xe đạp đi giữa đường, vượt đèn đỏ, xảy ra va chạm, tai nạn, chủ xe cơ giới, dù đi đúng luật vẫn phải bồi thường… Nếu cứ dựa trên các thói quen cũ như vậy thì pháp luật không thể được thực thi minh bạch, ý thức của người tham gia giao thông không được nâng cao. Trình độ văn hóa xã hội đã được cải thiện, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để tuyên truyền luật lệ giao thông. Việc xử phạt vi phạm cần được đảm bảo công bằng, ai có lỗi người đó phải chịu trách nhiệm khắc phục và chịu xử phạt.
Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt lái xe vi phạm trên đường Láng Hạ. 	Ảnh: Phạm Hùng
Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt lái xe vi phạm trên đường Láng Hạ. Ảnh: Phạm Hùng
Bên cạnh đó cần làm rõ các khái niệm, định nghĩa còn mơ hồ trong Luật để người tham gia giao thông biết cách thực thi, còn lực lượng chấp pháp có cơ sở chắc chắn để giám sát, xử lý vi phạm. Ví dụ như cụm từ: “Không làm chủ tốc độ” là một khái niệm quá rộng, không có tiêu chí cụ thể gây khó cho việc áp dụng vào thực tế. Không làm chủ tốc độ là chạy quá tốc độ? Hay không quá tốc độ nhưng vẫn không xử lý được tình huống, phanh dừng khi cần? Đối với mỗi trường hợp va chạm giao thông cụ thể lại phát sinh rất nhiều yếu tố phụ khác nữa, vậy căn cứ vào đâu để xác định người điều khiển phương tiện có làm chủ được tốc độ hay không(?). Vậy phải giải thích khái niệm thế nào, dùng phương cách nào để xử lý mà đảm bảo không dẫn đến bắt lỗi sai, xử lý sai. Ngoài ra, Hợp tác xã (HTX) Vận tải cũng là một đối tượng bị áp dụng sai trong một số khái niệm của Luật. HTX chỉ là đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải, các lái xe tham gia HTX là xã viên – người đóng phí để được hưởng dịch vụ của HTX. Vậy giữa Chủ nhiệm HTX và lái xe không phát sinh quan hệ lao động: Thuê – Làm thuê, HTX không phải là người sử dụng lao động mà là người cung ứng dịch vụ cho xã viên. Nếu phạt HTX bằng tiền tức là "người mua dịch vụ (xã viên) sai thì người cung ứng dịch vụ (HTX) bị phạt", như thế là trái luật.

Do đó, các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà làm Luật cần phải tiếp cận thực tế, đến với DN, người lao động và Nhân dân để tiếp thu có chọn lọc ý kiến của người dân. Trên cơ sở đó mới có thể đưa ra những quy định phù hợp thực tế, đơn giản, dễ hiểu, rõ ràng, cụ thể, có như vậy khi áp dụng mới có độ chính xác cao, người dân thì dễ tiếp thu mà cán bộ thi hành công vụ dễ nhớ, dễ vận dụng.

Luật phải cụ thể, dễ tiếp thu

Không thể không nói đến một thực trạng là vi phạm trong lĩnh vực vận tải, giao thông đường bộ đã tồn tại trong một thời gian dài phần nào do sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng. Nay cần chấn chỉnh lại, cá nhân, tổ chức khi vi phạm đều phải bị xử lý nghiêm minh, công bằng và điều đó cần được thể chế hóa bằng các Nghị định, Thông tư. Mặt khác cần triệt để dẹp bỏ những tiêu cực của người thi hành công vụ từ các công đoạn: đào tạo lái xe, kiểm định phương tiện, tuần tra kiểm soát, xử lý tai nạn, tạm giữ phương tiện… ngay cả việc hướng dẫn giao thông cũng cần phải quy định chi tiết. Ví dụ, ở Việt Nam quy định thời gian đào tạo lái xe là 6 tháng, khi nộp đơn học, nhiều cơ sở yêu cầu học viên không ghi ngày tháng để tiện lúc nào ghép được lớp thì ghi lùi ngày cho đủ 6 tháng, thực tế chỉ học có đôi, ba tháng, mà số buổi học trong đó cũng không đủ. Để khắc phục hiện tượng này, nên chăng buộc người có nhu cầu phải nộp Đơn xin học lái xe vào bộ phận một cửa của Sở GTVT, sau đó các cơ sở đào tạo đến Sở nhận chỉ tiêu, báo cáo các chi tiết: thời gian đào tạo, địa điểm, kinh phí một cách minh bạch, qua đó Sở sẽ kiểm tra, giám sát để các cơ sở này không thể làm sai.

Hay Bộ GTVT cần ban hành quy định xử lý với các cấp và các đơn vị tự đặt ra nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà, khó khăn cho DN và Nhân dân như: Bến xe, trạm Kiểm định, trạm Thu phí. Và, quan trọng nhất là phải đẩy mạnh việc giám sát toàn dân đối với cơ quan Nhà nước, lực lượng chức năng ngành giao thông vận tải thì Nghị định xử phạt mới đạt hiệu quả cao.

Và khi các chế tài xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã rõ ràng, nghiêm khắc, người dân sẽ hiểu và chấp hành, còn các lực lượng kiểm tra, xử lý dễ dàng giải thích cũng như áp mức phạt một cách nghiêm minh, ùn tắc và TNGT sẽ giảm đi rất nhiều.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần