Tranh dân gian Việt Nam và góc nhìn của người Pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề cao tính thẩm mỹ của văn hóa dân gian và bảo tồn di sản tư liệu viết quý báu của dân tộc Việt Nam là góc nhìn của những người Pháp được thể hiện qua triển lãm Tranh dân gian Việt Nam - tranh bộ ba được Viện Viễn đông Bác cổ Pháp và Cơ quan Phát triển Pháp đồng tổ chức ngày 13/1 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L'Esapce - 24 Tràng Tiền, Hà Nội).

Thú chơi tao nhã

Xuất hiện từ thời Lý (trong khoảng 1010 - 1225), tranh dân gian được in trên giấy dó từ ván khắc, với những đề tài phong phú, bố cục đơn giản nhưng sống động, màu sắc rực rỡ, chú giải dễ hiểu và hóm hỉnh đã thể hiện một cách chân thực đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Theo thời gian, treo tranh dân gian trong ngày Tết đã trở thành một thú chơi tao nhã, một phong tục đẹp của người Việt Nam. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, gia đình dù giàu hay nghèo, ngoài bánh chưng, thịt mỡ dưa hành, không thể thiếu câu đối đỏ và những bức tranh dân gian để "vui cửa vui nhà", giúp xuân thêm tươi sắc. Vì thế, theo thống kê, trong những năm đầu thế kỷ XX, gần Tết, số lượng tranh in từ ván khắc có khi được in tới gần hai triệu bản.
Bức tranh tả cảnh "vinh quy bái tổ" trong bộ sưu tập của Maurice Durand.
Bức tranh tả cảnh "vinh quy bái tổ" trong bộ sưu tập của Maurice Durand.
Và những bức tranh tinh tế về họa tiết, tinh xảo về kỹ thuật giúp Đông Hồ, Hàng Trống trở thành làng nghề, phố nghề nổi tiếng đã chinh phục cả những người Pháp đã tới và gắn bó với Việt Nam. Tại triển lãm, 15 khung ảnh gồm những mảng hình được chọn lọc từ tác phẩm "Kỹ thuật của người An Nam" của tác giả Henri Oger và bộ sưu tập tranh dân gian của tác giả Maurice Durand được trưng bày tại L'esapce từ 13/1 - 28/2, giúp người xem phần nào cảm nhận được sự tinh tế từ nghệ thuật họa hình đã được xếp vào hàng di tích của quá khứ.

Những người bạn lớn
Bên lề triển lãm, hội thảo về các bức tranh dân gian được tổ chức ngày hôm nay (13/1) tại L'espace với các diễn giả là GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, ông Philippe Papin đến từ trường Cao học Thực hành Paris, ông Pascal Bourdeaux và ông Olivier Tessier thuộc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp... mang đến một bức tranh khá toàn cảnh về nghệ thuật đặc sắc trong kho tàng văn hóa dân gian truyền thống của Việt Nam.
Được lựa chọn từ hàng ngàn hình vẽ, bình đồ và tranh khắc trong "Kỹ thuật của người An Nam" - một nghiên cứu hoàn toàn mới mẻ về văn minh vật chất của Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, các tác phẩm do Henri Oger thu thập đã phần nào giúp chúng ta hiểu được những cách thức sản xuất các sản phẩm thủ công một cách cụ thể và tỉ mỉ từ cử chỉ, công cụ… Ngoài ra, bộ sưu tập tranh dân gian của Maurice Durand gồm khoảng 400 bức, được ông và các cộng sự thu thập từ những năm 1950 cũng phản ánh rất đa dạng, phong phú trong cuộc sống thường nhật của người Việt Nam xưa. Không những thế, việc các bức tranh này được bảo quản một cách gần như nguyên vẹn đã phần nào nói lên sự trân trọng với con người, văn hóa, lịch sử của Maurice Durand - một học giả lớn, một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam.

Đặc biệt, lần đầu tiên tại triển lãm, những bản khắc gỗ thất lạc từ thế kỷ XIX mới được tìm thấy được công bố. Những trang bản thảo đầy màu sắc của chuyện thơ Lục Vân Tiên của tác gia Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) được một sĩ quan hải quân Pháp thuê một hạ sĩ của Triều đình Huế thực hiện vào đầu những năm 1890. Nhờ yêu cầu "trình bày một cách trung thực nhất các nhân vật, tất cả các con vật và mọi nghi lễ về đời sống cá nhân và cộng đồng", những hình ảnh về "mọi thứ của cuộc sống" tại Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đã được khắc họa sinh động bằng nghệ thuật khắc và in theo trường phái hiện thực.

Sau nhiều năm thất lạc hoặc nằm yên lặng trong một góc thư viện, một kho tư liệu nào đó, những người bạn đến từ Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam đã dày công thực hiện dự án nghiên cứu và xuất bản tài liệu có giá trị này như là một món quà nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp.