Tranh luận Tổng thống Mỹ: Luật sư hay thương lái là người thắng cuộc?

Tú Anh (Theo BBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bình luận viên của BBC Anthony Zurcher đã ví von, cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ là trận so tài giữa một luật sư và một thương lái.

Trước khi giữ vị trí Ngoại trưởng, hay Thượng nghị sỹ hay Đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Clinton là một luật sư, một luật sư tài năng.
Những tố chất của một luật sư như cẩn trọng, tỷ mỉ, bình tĩnh đều được bà Clinton thể hiện trong cuộc “so găng” đầu tiên với đối thủ là tỷ phú Donald Trump phía bên đảng Cộng hòa.
Vị tỷ phú này, với sự nghiệp là ông trùm bất động sản, nhà sản xuất chương trình hoàn toàn đảm nhận vai trò “thương lái”. Thực tế, năng nổ, đó là những gì ông Trump thể hiện trong cuộc tranh luận đầu tiên tối 26/9 (giờ địa phương).
 
Tuy nhiên, điểm yếu là người thương lái là đưa ra được vấn đề nhưng không có dẫn chứng lập luận thuyết phục, vững chắc. Đây cũng là vấn đề của ông Trump trong suốt 90 phút cuộc tranh luận.
Thay vào đó, sự chuẩn bị cẩn thận của bà Clinton đã phát huy tác dụng. Bà đã kiểm soát được cả buổi tranh luận tối qua với sự sáng suốt. Dưới đây là những đoạn tranh luận gay cấn mà hai ứng viên ghi điểm.
Thuế thu nhập
Sau bài phát biểu về các kế hoạch kinh tế, chủ đề chuyển sang vấn đề trả thuế và câu hỏi đặt ra cho ông Trump là vì sao không công bố số tài sản của bản thân như những ứng viên tiền nhiệm từng làm.
Ứng viên đảng Cộng hòa đã lặp lại luôn điệu cũ rằng, ông đang được Sở Thu Nhập kiểm toán nên chưa thể công khai con số chính xác. Bà Clinton đã nhanh chóng tận dụng cơ hội này để tấn công đối thủ.
Câu nói ăn điểm của bà Clinton: “Tôi nghĩ có thể ông Trump không muốn cả nước Mỹ biết được lý do thật sự của việc không công khai thu nhập, bởi đó là một nguyên do cực kỳ quan trọng, thậm chí là tồi tệ mà ông ta muốn che giấu… Bạn không băn khoăn tại sao Trump không công khai việc đóng thuế của mình? Có lẽ ông ấy không giàu như bề ngoài, hoặc ông ta không làm từ thiện... thứ 3, ông nợ 600 triệu USD tại các ngân hàng nước ngoài... hoặc có thể Trump không muốn để người dân Mỹ, hay giới truyền thông biết về bất kỳ khoản thuế thu nhập nào”.
Thương mại
Các thỏa thuận thương mại còn dang dở của nước Mỹ được hai ứng viên mổ xẻ, trong đó bà Clinton từng ủng hộ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (Nafta) và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tỷ phú Trump khẳng định, những hiệp định này không hiệu quả và khiến dòng nhân lực sản xuất “chảy” khỏi nước Mỹ.
Câu nói then chốt của ông Trump: “Hãy tới New England, bang Ohio hay Pennsylvania, bà Clinton ạ, và bà sẽ thấy số tượng sản xuất giảm 30, 40 thậm chí là 50%. Nafta là một trong những thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được ký tại nước Mỹ”.
Vấn đề sắc tộc
Bà Clinton giành thế trên trong vòng tranh luận đầu tiên khi lôi được điểm yếu về thu nhập thuế của ông Trump, nhưng vòng tiếp theo còn máu lửa hơn nữa.  
Đó là khi vấn đề quan hệ các dân tộc nước Mỹ được nếu ra. Trong khi tỷ phú Trump nêu ra vấn đề quyền công dân của Tổng thống Barack Obama có chính đáng, ông một lần nữa buộc tội bà Clinton reo rắc tin đồn này kể từ chiến dịch năm 2008, lúc bà Clinton còn là đối thủ của ông Barack Obama. Ông Trump đổ lỗi cho Sidney Blumenthal - một người bạn của của bà Clinton, và Patti Solis Doyle - quản lý chiến dịch bầu cử vào năm 2008 đã tạo ra tuyên bố sai lầm về việc Tổng thống Barack Obama không được sinh ra tại Mỹ.
Tuy nhiên, bà Clinton phản đòn rất tốt. Câu nói ghi điểm của cựu Ngoại trưởng Mỹ: “Ông Trump đã gây dựng sự nghiệp chính trị trên nền tảng những lời nói dối mang tính phân biệt chủng tộc đó. Lời đồn này không hề có bằng chứng, nhưng ông Trump năm này qua năm khác lặp đi lặp lại, và một số thành phần ủng hộ ông ta muốn tin vào điều vô căn cứ này.”
 Đường lối quốc gia
Trong suốt cuộc tranh luận, tỷ phú Trump luôn nhấn mạnh ông là một kẻ ngoại đạo,trong khi bà Clinton là một chính trị gia nhẵn mặt.
Với các khảo sát cho thấy tới 70% người Mỹ không hài lòng với đường lối phát triển quốc gia hiện nay và mong muốn một sự thay đổi. Bằng việc hướng sự chú ý vào sự dẫn dắt của 1 đảng trong Nhà Trắng suốt 8 năm qua, ông Trump khẳng định nếu người Mỹ chọn ông, sẽ có những cải cách và biến chuyển mới.
Câu nói then chốt của ứng viên Trump mang tính mỉa mai: “Bạn đã làm việc này trong suốt 30 năm. Giờ sao lại muốn thay đổi chứ?”
Khí chất Tổng thống
Gần cuối cuộc tranh luận, chủ đè hướng về khả năng kiềm chế và tâm thế của một tổng thống Mỹ. Tỷ phú Trump cho rằng đây là cơ hội này để giành thế tấn công khi nhận định, “vẻ ngoài yếu đuối” của bà Clinton cho thấy bà “không đủ sức chịu đựng” nhiệm vụ nặng nề của một tổng thống.
Bà Clinton khẳng định, với việc đã trải qua hàng trăm chuyến công du với cương vị Ngoại trưởng hay tham gia những cuộc đàm phán ngoại giao tưởng như vô tận…  bà tự tin bản thân có đủ “sức chịu đựng” cho vị trí tổng thống. Bên cạnh đó, bà còn nhân cơ hội này lật lại luận điểm của ông Trump.
Câu nói ghi điểm của bà Clinton: “Bạn thấy đấy, ông ta muốn liên hệ từ vẻ bề ngoài đến năng lực bên trong. Nhưng đâu đáng ngạc nhiên, ông Trump trước đó từng gọi phụ nữ mang thai là nguồn nhân lực phí phạm và cho rằng phụ nữ không xứng đáng được trả lương tương đương đàn ông”.
Sau tất cả, có thể nói bà Clinton đã giành thế cao hơn sau cuộc tranh luận đầu tiên. Bên cạnh tiếp tục nêu ra các chính sách nhất thống, bà đã lật lại hiệu quả những đòn tấn công từ phía ứng viên Trump. Trong khi đó, những điểm yếu của bà Clinton như bê bối email cá nhân và sự xung đột lợi ích với các nhóm từ thiện hầu như không bị đề cập tới.
Nếu phải chọn ra người chiến thắng trong cuộc “so găng” đầu tiên này, thì ưu thế đã thuộc về phía đảng Dân chủ với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần