70 năm giải phóng Thủ đô

Tránh ngộ độc rượu, bia ngày Tết

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Uống rượu bia vào ngày Tết là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều vụ ngộ độc rượu đáng tiếc xảy ra do uống rượu kém chất lượng. Chuyên gia y tế khuyến cáo, uống rượu bia ngày Tết nên chừng mực để tránh ngộ độc, đảm bảo sức khỏe.

Nhập viện do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam 61 tuổi (Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng ngừng tim phổi. Bệnh nhân được hồi sinh tim phổi, đặt ống nội khí quản, thở máy. Sau khi tim đập lại, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức nội và chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực.

Qua thăm khám, các bác sĩ thấy bệnh nhân hôn mê, thở máy, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch liều cao, da nổi vân đá toàn thân, không xuất huyết tự nhiên, bụng mềm, gan to 4cm dưới bờ sườn, bờ sắc, mật độ chắc, lách không to, vô niệu. Theo lời kể của con trai bệnh nhân, bệnh nhân uống rượu thường xuyên và gia đình không kiểm soát được.

Sau khi thực hiện các khám xét lâm sàng và xét nghiệm, các bác sĩ khoa Hồi sức nội và chống độc đã nhanh chóng tiếp cận, nghĩ đến khả năng ngừng tuần hoàn, toan chuyển hóa khả năng do ngộ độc methanol. Bệnh nhân đã được thở máy, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, điện giải, định lượng độc chất, kết quả cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc methanol cấp (cồn công nghiệp) mức độ nặng (nồng độ methanol 78,13 mg/dl).

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu.
Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu.

 Ngay sau khi có kết quả định lượng nồng độ methanol trong máu, bệnh nhân được bổ sung rượu ethanol 20% theo qui trình điều trị bệnh nhân ngộ độc methanol cấp đã được Trung tâm xây dựng. Bệnh nhân tiếp tục được duy trì thở máy, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, điện giải, ethanol 20% theo phác đồ trong 48 giờ. Bệnh nhân diễn biến ổn định, được rút ống nội khí quản, cắt các thuốc vận mạch, chức năng các tạng hồi phục dần. Sau 1 tuần điều trị nội khoa tích cực, bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch và không để lại di chứng gì. Đây là một trong số ít các bệnh nhân ngộ độc methanol cấp tính, ngừng tuần hoàn đã được điều trị thành công, ra viện không để lại biến chứng gì.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tốt - khoa Hồi sức nội và chống độc, Trung tâm Hồi sức - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ, ngộ độc methanol rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao đặc biệt là các trường hợp đến muộn. Trong trường hợp nhập viện quá trễ, bệnh nhân có thể tử vong vì suy đa cơ quan và toan chuyển hóa nặng. Rượu nào cũng có hại đối với sức khỏe, ngay cả những loại rượu đạt chất lượng sản xuất theo quy định. Trong trường hợp trên, nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong ở mức rất cao, một số trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác.

Với trường hợp, ngộ độc rượu methanol nặng như trên ngoài thở máy, bệnh nhân phải lọc máu (lọc máu ngắt quãng hoặc lọc máu liên tục tùy theo tình trạng bệnh nhân) kèm với các biện pháp bổ sung khác như sử dụng acid folic, bổ sung ethanol 20%. Do đó, bác sĩ Nguyễn Hồng Tốt khuyến cáo, người dân nên sử dụng rượu có nguồn gốc và cũng nên hạn chế sử dụng rượu bia để đảm bảo sức khỏe đặc biệt là không uống ượng bia khi tham gia giao thông.

Những ngày Tết, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các bệnh nhân nhập viện do hệ quả từ bia rượu. TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những ca bệnh nhập viện do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp đa phần đều rất nặng và tiên lượng tử vong cao. Ngoài ra, không chỉ nguy cơ từ rượu giả, lạm dụng quá nhiều rượu, bia cũng khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là hệ tim mạch, dạ dày, gan, tụy, khớp, xương, cơ, sức khỏe sinh sản, hệ thống miễn dịch, tâm thần…

Trong đó, gan bị ảnh hưởng rất nhiều nếu uống quá nhiều rượu, bia. Một lá gan khỏe mạnh nhất cũng chỉ có thể xử lý được khoảng 1-2 đơn vị rượu mỗi ngày. Khi lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường sẽ khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này, các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan lâu ngày dẫn đến xơ gan, tổn thương khoảng cửa của gan, hóa xơ sẹo, giảm lượng máu đến gan, suy chức năng gan.

Phòng ngừa ngộ độc rượu, bia

Hiện nay tình trạng lạm dụng các loại thuốc giải rượu đang có xu hướng gia tăng. Không ít người dù đã uống thuốc giải rượu song vẫn phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc rượu. Thậm chí, có bệnh nhân đã uống thuốc giải rượu nhưng bị ngộ độc nặng hơn bởi họ cho rằng "dùng thuốc giải rượu rồi vẫn có thể uống vô tư".

"Nhiều người cứ nghĩ uống bia ít ngộ độc hơn uống rượu nhưng thực tế không ít bệnh nhân đã phải nhập viện vì uống bia quá nhiều. Sử dụng thuốc giải rượu là quan niệm sai lầm bởi hiện chưa có loại thuốc giải rượu nào được chứng minh có hiệu quả rõ ràng. Thực tế, các loại thuốc giải rượu hiện nay, kể cả thuốc dạng uống hay dạng tiêm, thường chỉ có tác dụng hỗ trợ; giúp bù đắp muối, khoáng, vitamin vào cơ thể người uống" - TS Nguyễn Trung Nguyên cho hay.

Người dân nên sử dụng rượu có nguồn gốc và cũng nên hạn chế sử dụng rượu bia để đảm bảo sức khỏe đặc biệt là không uống ượng bia khi tham gia giao thông.
Người dân nên sử dụng rượu có nguồn gốc và cũng nên hạn chế sử dụng rượu bia để đảm bảo sức khỏe đặc biệt là không uống ượng bia khi tham gia giao thông.

Do đó, TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc. Đã uống rượu bia thì không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương… Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu đã trót uống loại rượu không bảo đảm, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện có điều kiện xét nghiệm để kiểm tra.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, bia, rượu vang, rượu mạnh - là những đồ uống có chứa cồn ethanol ở những nồng độ khác nhau. Để niềm vui được trọn vẹn, đặc biệt trong Tết, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến lưu ý, trong trường hợp sau khi uống rượu, cảm thất đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, mất kiểm soát hành vi… thậm chí là gây ngộ độc cho cơ thể, mọi người có thể dùng những nguyên liệu tự nhiên như nước ép cà, sinh tố trái cây, nước lọc, gừng… để tránh hoặc giải quyết cơn đau đầu, buồn nôn và những khó chịu của cơ thể.

Nước ép trái cây không chỉ bù lại lượng nước mất đi khi bị nôn, nước ép trái cây còn giúp bạn giải độc trong cơ thể do rượu gây ra. Những chất dinh dưỡng và khoáng chất trong nước ép trái cây, giúp làm mát gan, hồi phục cơ thể nhanh. Ngoài ra, trong bữa ăn gia đình hay tiệc nhậu bạn có thể chuẩn bị sẵn trái cây, rồi bày lên bữa nhậu để có thể ăn khi uống rượu, vừa là món nhậu ngon vừa tránh bị say rượu ngày Tết.

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nguyên nhân của say, ngộ độc rượu, bia là do lạm dụng rượu, bia hoặc uống rượu, bia vượt quá mức chấp nhận của cơ thể; do sử dụng rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do sử dụng rượu ngâm với thảo mộc, nội tạng động vật nhiễm độc tính. Để phòng ngừa ngộ độc rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không uống rượu nồng độ cồn từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và rượu có hàm lượng methanol lớn hơn 0,1%. Không uống rượu ngâm với lá, rễ thực vật và phủ tạng động vật không rõ độc tính. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia.

 

Tổng số ca khám, cấp cứu rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn từ sáng mùng 1 Tết đến sáng mùng 2 Tết Quý Mão là 119 trường hợp, tăng 21,4% so với cùng ngày Tết Nhâm Dần 2022. Trong đó, 68 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia (giảm gần 3% so với cùng ngày Tết năm ngoái). Ngoài ra, ghi nhận 5 trường hợp khai do ngộ độc thức ăn tự chế biến, chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm. Như vậy, trong 3 ngày nghỉ Tết, đã có 306 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, chiếm 0,2% trong tổng số khám, cấp cứu. 3 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế