Hầu hết các chuyên gia quy hoạch đều nhận định rằng, khu vực hai bên sông Hồng hiện nay, phát triển đô thị thiếu kiểm soát, rất lộn xộn, dân cư nằm trong hành lang thoát lũ không an toàn. Về lâu dài không thể tồn tại trong Thủ đô một tuyến dân cư đô thị phát triển gần như tự phát hiện hữu.
Dự án quy hoạch cơ bản hai bên sông Hồng cần phải được điều chỉnh về quy hoạch không gian, sử dụng đất. Khu vực Tứ Liên kết nối không gian Hồ Tây với khu vực Cổ Loa cần giảm thiểu mật độ và tầng cao xây dựng để hình thành các công viên đô thị, hạn chế thêm dân số, tăng cường không gian xanh, công trình văn hóa, biểu tượng tạo điểm nhấn không gian cho Thủ đô.Thực tế, quá trình đô thị hóa khu vực Bắc sông Hồng bước đầu đã được kiểm soát bằng quy hoạch, căn cứ vào đó một số dự án phát triển bất động sản đang được triển khai một cách bài bản. Trong đó, dự án khu đô thị cửa ngõ Nhật Tân - Nội Bài dựa vào vốn FDI là bước khởi đầu quan trọng. Kiểm soát thực hiện quy hoạch vì thế phải thực hiện ngay bằng kiểm soát sử dụng đất. “Một là ngăn chặn việc sử dụng đất “ăn theo” ngoài rìa địa giới dự án khu đô thị Nhật Tân - Nội Bài; Hai là quy hoạch ngay thị trấn sân bay đáp ứng nhu cầu vận hành sân bay đang nhanh chóng nâng cao công suất và ngăn chặn tình trạng đô thị hóa tự phát đang diễn ra tại đây; Ba là điều chỉnh viêc sử dụng các khoảnh đất phân tán được giao để thực hiện dự án BT cầu Tứ Liên; Cuối cùng là tham khảo ý kiến các chuyên gia địa chất về khu vực lòng sông cổ mà Đầm Vân Trì, sông Hoàng Giang (sông Thiếp) và một số đầm, hồ khác ở Đông Anh và Mê Linh là các dấu tích còn sót lại” - TS Phạm Sỹ Liêm cho hay.Đồng quan điểm, theo TS. KTS Trương Văn Quảng - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP), phía Bắc sông Hồng là khu vực có nhiều tiềm năng lợi thế. Nếu biết khai thác tốt các tiềm năng cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng cảnh quan sông, hồ, đầm, núi Sóc và chân núi Tam Đảo.Vị này phân tích, để khu vực Bắc sông Hồng phát triển sôi động, Hà Nội cần tập trung quy hoạch, xây dựng khu đô thị Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên theo hướng hiện đại, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các khu đô thị Đông Anh, Mê Linh - Đông Anh theo hướng đô thị xanh, thông minh, có kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường, duy trì bảo tồn cấu trúc các làng cổ.“Cá nhân tôi cho rằng bảo tồn, tôn tạo, phát triển Khu di tích Cổ Loa được coi là tâm điểm quan trọng. Bởi, đây là trục văn hóa, lịch sử, du lịch kết nối với Hồ Tây, một biểu tượng phát triển mới trên tuyến kết nối sông Hồng, sông Đuống với hệ thống cây xanh và mặt nước của Đông Anh. Hơn nữa, Cổ Loa còn là điểm huyết mạch lịch sử xuyên suốt thành phố quá khứ - hiện tại và tương lai” - TS.KTS Nguyễn Trúc Anh - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhấn mạnh.
Khu vực Bắc Hà Nội kẹp giữa tả ngạn sông Hồng và sân bay Nội Bài, bao gồm 8 phân khu từ N1 đến N8 trên bản đồ quy hoạch phân khu đô thị phía Bắc sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt (H.1). Tiếp đó, tháng 6/2016 UBND TP Hà Nội công bố quy hoạch chi tiết khu đô thị cửa ngõ Thủ đô dọc tuyến đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài dài gần 12km. Vừa qua, Hà Nội đã cùng với các Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Sumitomo (Nhật Bản) ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên nhằm phát triển dự án đô thị thông minh theo trục Nhật Tân - Nội Bài trị giá 4 tỷ USD, trong đó sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản để xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Mới đây, cầu Tứ Liên nối quận Tây Hồ với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên trên đất Đông Anh theo phương thức BT đang được xây dựng dự kiến hoàn thành năm 2021. Ngoài ra, tại Bắc sông Hồng, VinGroup đang xây Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia và SunGroup đang triển khai dự án Công viên Kim Quy dạng Disneyland rộng 100ha tại giao lộ đường Võ Nguyên Giáp và đường 5 kéo dài. |