Tranh thủ để chia rẽ

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuy chỉ đến Kazakhstan, phía Mỹ vẫn nói rằng bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo có chuyến công du tới Trung Á.

Thật ra, ông Pompeo chỉ tới Ukraine, Belarus, Kazakhstan và Anh. Nhưng phía Mỹ vẫn chủ ý nhấn mạnh đến Trung Á bởi ở Kazakhstan, ông Pompeo hội kiến với người đồng cấp đến từ tất cả các nước Trung Á thuộc Liên Xô trước đây. Đương nhiên là chuyện quan hệ song phương giữa Mỹ với các nước này hiện diện trên chương trình nghị sự của ông Pompeo. Nhưng điều còn đáng được đển ý đến hơn cả thế nữa là chủ ý của phía Mỹ với chuyến đi này của ông Pompeo, cụ thể ở đây là tranh thủ Ukraine, Belarus, Kazakhstan và các nước khác ở khu vực Trung Á nhằm phân hoá họ với Nga và Trung Quốc, ngăn cản họ gắn bó với Nga và Trung Quốc, đẩy lùi ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở những nơi này. 

 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

Với Ukraine, ông Pompeo có thể thực hiện chủ ý này dễ dàng và thuận lợi hơn nhiều so với với những đối tác kia bởi mối quan hệ giữa Ukraine và Nga vốn rất phức tạp và không suôn xẻ cũng như quan hệ giữa Ukraine và Trung Quốc không sôi động nhiều. Vì thế, ở Belarus và Kazakhstan, ông Pompeo phải vận dụng chiêu thức và lập luận đặc biệt. Người này tìm cách tranh thủ các đối tác bằng phương thức tung ra những mời chào về triển vọng mới cho mối quan hệ giữa Mỹ với họ. Ông Pompeo tập trung vào việc thuyết phục các nước này tin rằng Mỹ sẽ giúp họ bớt lệ thuộc vào mối quan hệ hợp tác với Nga và Trung Quốc về kinh tế, thương mại và đầu tư, nhưng cũng còn cả về an ninh và quốc phòng. Mỹ vẫn tiếp tục áp dụng những biện pháp trừng phạt Belarus nhưng khi ở Belarus, ông Pompeo đã mời chào nước này sự giúp đỡ của Mỹ để Belarus bớt phụ thuộc vào cung ứng dầu lửa của Nga. Ở Kazakhstan, ông Pompeo công khai vận động các quốc gia Trung Á chọn Mỹ chứ không chọn Nga và Trung Quốc làm đối tác tin cậy hàng đầu. 

Xem ra, phía Mỹ đã bắt đầu có nhận thức khác trước về tầm quan trọng của việc tranh thủ các nước láng giềng xung quanh Nga và các nước ở khu vực Trung Á phục vụ cho cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ với hai đối tác này. Mỹ thấy nhu cầu này đã trở nên ngày càng thêm cấp thiết và quan trọng hơn đối với Mỹ bởi giữa Nga và Trung Quốc với các đối tác này không chỉ có sự gắn kết thông qua các mối quan hệ song phương mà còn nhờ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ông Pompeo giờ không dấu diếm chủ ý này của Mỹ vì Mỹ cho rằng hiện tại Mỹ có cơ hội thuận lợi để tranh thủ các nước kia và phân rẽ họ với Nga và Trung Quốc do chính các nước này cũng có sự ngần ngại ngày càng tăng về Nga và Trung Quốc.

Ở lần công du này, ông Pompeo chưa có được thành quả đáng kể nào trong việc thực hiện chủ định nói trên bởi các đối tác kia vẫn phải lưu ý thoả đáng đến Nga và Trung Quốc trong xử lý quan hệ của họ với Mỹ và bởi đối với họ, lợi ích chiến lược thiết thực hiện tại cũng như lâu dài không phải là để Mỹ thay thế Nga và Trung Quốc mà là chơi con bài đối trọng trong quan hệ của họ với cả Mỹ lẫn Nga và Trung Quốc. Nhưng rõ ràng là Mỹ đã bắt đầu tăng cường thách thức Nga và Trung Quốc ở chính vùng ảnh hưởng lâu nay của Nga và Trung Quốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần