Trao đổi kinh nghiệm hay trong công tác giám sát các cơ quan tư pháp

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/4, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác giám sát các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp”.

Tới dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai, lãnh đạo và ủy viên các Ban của HĐND TP, cùng đại diện lãnh đạo Thường trực - Ban Pháp chế của HĐND 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Hoạt động của HĐND TP và HĐND các cấp thời gian qua đã đạt nhiều kết quả khả quan, luôn được đổi mới theo hướng thiết thực, nâng cao hiệu lực hiệu quả. Vị thế của các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương của TP ngày càng được nâng cao. Đóng góp cho các hoạt động hiệu quả, thiết thực của các cơ quan này có vai trò quan trọng của các Ban của HĐND TP và các quận, huyện, thị xã, trong đó Ban Pháp chế có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ, luôn đổi mới.

Hội nghị chuyên đề lần này có ý nghĩa rất quan trọng, mà Ban đã lựa chọn chủ đề rất trúng, đúng, là vấn đề lớn, khó, phức tạp. Trong sự phát triển của TP Hà Nội, vai trò của các cơ quan tư pháp cũng rất quan trọng, để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, giữ an ninh trật tự an toàn xã hội. Với các cơ quan tư pháp, ngay từ việc triển khai thực hiện để đảm bảo đúng quy định của pháp luật đã là vấn đề khó.

Từ đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP đề nghị thời gian tới, Ban Pháp chế HĐND TP tiếp tục lựa chọn các lĩnh vực, nội dung ở các cấp độ để tổ chức những nội dung giao ban chuyên đề có hiệu quả, thiết thực hơn; tổ chức thêm các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Đối với HĐND quận, huyện, thị xã, cần quan tâm hoạt động của Ban pháp chế, quan tâm công tác giám sát của các cư quan tư pháp; nâng cao trình độ, kỹ năng cho các ĐB HĐND, thường xuyên cập nhật nội dung mới để có bản lĩnh, kinh nghiệm, kiến thức, giúp nội dung giám sát hoặc chất vấn tại các kỳ hợp có chất lượng hiệu quả, nhất là thường xuyên cập nhật nhiều luật mới có hiệu lực trong năm nay. Đồng thời, cần quan tâm tuyên truyền phổ bến giáo dục pháp luật, các quy định đối với công dân và các cơ quan trên địa bàn.

Tại hội nghị, lãnh đạo Ban Pháp chế các quận Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Đống Đa, các huyện Chương Mỹ, Hoài Đức, Mê Linh đã tham luận, trao đổi về nhiều vấn đề liên quan đến công tác giám sát các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, nhìn chung từ sau khi có Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, Ban Pháp chế từ TP đến các quận, huyện, thị xã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng và chất lượng, hiệu quả các cuộc giám sát được nâng lên nhiều so với trước.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, giám sát lĩnh vực tư pháp là một nhiệm vụ khó, hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực tư pháp lại nhiều, tản mạn, khó hệ thống hóa, các cuộc giám sát thuộc lĩnh vực tư pháp mang tính chuyên môn sâu, phạm vi giám sát rộng, đòi hỏi chủ thể giám sát có kỹ năng, kinh nghiệm, chuyên môn, kiến thức hiểu biết pháp luật, trong khi thành viên Ban Pháp chế có trình độ, năng lực và lĩnh vực hoạt động khác nhau.

Bên cạnh đó, việc phối hợp với UBKT huyện ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội ở cấp huyện nhiều lúc còn hạn chế, chồng chéo, chưa sử dụng hiệu quả các kết luận kiểm tra, giám sát của các cơ quan đối với lĩnh vực tư pháp. Trong khi, hoạt động giám sát trong lĩnh vực tư pháp chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể về các biện pháp hữu hiệu để theo dõi, kiểm tra việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát.

Từ đó, các ý kiến đề nghị, Ban Pháp chế HĐND TP nên có những cuộc khảo sát chuyên sâu về kỹ năng, năng lực của các cán bộ chuyên trách tại quận, huyện, thị xã. Đại biểu Ban Pháp chế các quận, huyện cũng đề nghị tăng cường tập huấn, bồi dưỡng và hoạt động giao ban chuyên đề giữa Thường trực HĐND và các ban HĐND ở cả 3 cấp để trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động.

Lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND Đống Đa đề nghị, cần tăng cường trao đổi thông tin giữa TP và các quận huyện, truyền đạt từ nội dung các văn bản mới hay các kinh nghiệm cho Ban Pháp chế các quận huyện, trong đó hàng tháng, Ban Pháp chế HĐND TP nên tổ chức hội nghị giao lưu, trao đổi với các quận, huyện.
Toàn cảnh hội nghị.
Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Pháp chế HĐND quận Hà Đông Lương Huệ Minh kiến nghị, TP cần có sự chỉ đạo chung về sự phối hợp chung của TP đối với sự phối hợp cho hoạt động giữa các Ban Pháp chế quận, huyện với các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp đồng cấp. Đồng thời, TP cần quy định rõ về việc khen thưởng đối với tổ chức HĐND các cấp trên địa bàn TP Hà Nội.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh: Hệ thống văn bản pháp lý cho hoạt động giám sát của Ban Pháp chế các quận huyện trong công tác giám sát các cơ quan lĩnh vực tư pháp là tương đối đầy đủ, quan trọng đòi hỏi các lãnh đạo, thanh viên ban dành thời gia nghiên cứu kỹ tài liệu, cập nhật kịp thời những vấn đề mới trong các quy định pháp luật, nắm rất chắc thẩm quyền, trách nhiệm, quy trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan mình giám sát.

Các lãnh đạo và thành viên Ban Pháp chế cấp huyện cũng cần bám sát chặt chẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, của ban cải cách tư pháp cùng cấp; quan tâm công tác xử lý tin báo tố giác tội phạm để tránh bỏ lọt tội phạm, góp phần ổn định dư luận… Đồng thời, cần chú trọng việc nắm bắt thông tin, từ cơ quan cấp trên và từ các đơn thư của các địa phương, người dân, thông qua hoạt động giám sát, qua báo chí, trong đó phải biết chọn lọc thông tin.