Trật tự thương mại thế giới lung lay vì cuộc chiến thuế quan
Kinhtedothi - Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi mong manh sau đại dịch và các cú sốc địa chính trị, chính sách thuế quan quyết liệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo ra một làn sóng bất ổn mới. Các tổ chức tài chính quốc tế đồng loạt đưa ra dự báo ảm đạm về tăng trưởng thương mại toàn cầu, đồng thời cảnh báo nguy cơ suy thoái nếu cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang.
Cảnh báo thương mại toàn cầu suy giảm
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy thương mại hàng hóa toàn cầu dự kiến sẽ giảm 0,2% trong năm nay do các biện pháp thuế quan mới từ Mỹ. Tổ chức này cho biết, nếu không có những thay đổi gần đây trong chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Trump, tăng trưởng thương mại năm 2025 có thể tăng gần 3%. Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, cảnh báo trên Financial Times rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đẩy nền kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái. “Nếu sự chia rẽ giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục gia tăng, sản lượng toàn cầu có thể sụt giảm tới 7%” – người đứng đầu WTO nói. Theo báo cáo của WTO, các tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan có thể làm giảm mức tiêu thụ hàng hóa và giảm sức cạnh tranh của các quốc gia trong các ngành công nghiệp chủ lực như công nghệ, ô tô và nông sản.

Khu bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Quyết định của Tổng thống Trump áp mức thuế chung 10% đối với hàng hóa nhập khẩu, cùng các khoản thuế bổ sung với các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, đã thổi bùng lên làn sóng phản ứng từ các đối tác thương mại chủ chốt như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico. Dù ông Trump đã tạm hoãn thực thi gói thuế đối ứng này trong vòng 90 ngày để đàm phán với gần 70 quốc gia, nhưng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vẫn tiếp diễn đầy căng thẳng - đe dọa trật tự thương mại toàn cầu được thiết lập từ sau cuộc “Đại suy thoái” những năm 1930. Trong khi WTO gióng lên hồi chuông cảnh báo, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng thể hiện quan điểm đồng thuận về mức độ rủi ro của chính sách thương mại khó lường của Mỹ. Phát biểu tại trụ sở chính của tổ chức ở Washington, Chủ tịch WB, Ajay Banga gần đây đã cảnh báo rằng những biến động và bất ổn kinh tế lớn hơn sẽ đè nặng lên nền kinh tế thế giới. “Căng thẳng thương mại đang khiến các tác nhân kinh tế thận trọng hơn, điều này có thể làm chậm lại các khoản đầu tư và quyết định mua sắm của các công ty và hộ gia đình” - ông Ajay Banga cho biết.
Trong khi đó, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF cho biết, trong năm 2024, hơn 1 tỷ người đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực trong 40 năm qua nhờ sự bùng nổ của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, bà Georgieva bày tỏ quan ngại về rủi ro đối với kinh tế thế giới khi dẫn dự báo của WTO rằng, nếu ông Trump thực thi gói thuế đối ứng sau thời gian tạm hoãn 90 ngày, kết hợp với sự bất định chung về chính sách thương mại sẽ khiến khối lượng hàng hóa giao dịch toàn cầu giảm tới 1,5% trong năm nay.
Nguy cơ phân mảnh thương mại
Một trong những mối đe dọa lớn nhất từ chính sách thuế quan quyết liệt của chính quyền Tổng thống Trump là sự phân mảnh thương mại toàn cầu. Đối phó với các gói thuế “có đi có lại” của Washington, nhiều quốc gia buộc phải tìm kiếm các đối tác mới để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Các chuyên gia từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định rằng xu hướng này có thể tạo ra những liên minh thương mại mới, nhưng cũng sẽ khiến cho thương mại toàn cầu mất đi tính đồng bộ và ổn định vốn có. Nền kinh tế toàn cầu sẽ khó có thể đạt được sự phục hồi đồng đều nếu các quốc gia không thể vượt qua được những rào cản thuế quan và các biện pháp bảo hộ mà Mỹ đang áp đặt.
Ông Kimberly Clausing, một chuyên gia về thương mại quốc tế và tác giả của nhiều nghiên cứu về các cuộc chiến thuế quan, chỉ ra rằng thương mại toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ phân mảnh nghiêm trọng, làm giảm động lực tăng trưởng toàn cầu. Cũng chia sẻ quan ngại tương tự, chuyên gia về chính sách thương mại quốc tế Wolfgang Alschner nói với Asia Times, các mức thuế cao của Mỹ có thể kích hoạt một trong những làn sóng chuyển hướng thương mại lớn nhất lịch sử hiện đại, khi các quốc gia phải đối mặt với lượng hàng nhập khẩu bị chuyển hướng, đe dọa đến năng lực sản xuất trong nước. “Sự thôi thúc dựng rào cản bảo hộ thương mại để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa sẽ gia tăng ở khắp nơi, không chỉ ở Mỹ” - ông Alschner lưu ý thêm.
Bên cạnh đó, Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cảnh báo rằng sự dịch chuyển thương mại không kiểm soát sẽ dẫn đến một chuỗi phản ứng dây chuyền về các biện pháp bảo hộ, đe dọa làm sụp đổ hệ thống thương mại đa phương, vốn từng bị suy yếu trong thập niên 1930 và dẫn tới “Đại khủng hoảng”.
Giải pháp nào đối phó khủng hoảng thương mại?
Để hạn chế những tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ và duy trì tăng trưởng kinh tế toàn cầu, các chuyên gia khuyến nghị các quốc gia cần đẩy mạnh hợp tác kinh tế đa phương và đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu. Ông Michael Schumann - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Kinh tế và Thương mại Quốc tế Đức, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các chiến lược độc lập, không phụ thuộc vào một thị trường duy nhất như Mỹ. Ông Schumann đề xuất các quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như EU và Nhật Bản, cần mạnh dạn thiết lập các hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và châu Phi để giảm thiểu tác động tiêu cực từ thuế quan.
Theo chuyên gia David H. Feldman tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, các nước cần thực hiện các biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp trong nước trong ngắn hạn, đồng thời tìm cách đầu tư vào các công nghệ mới và ngành công nghiệp sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn. UNCTAD đề xuất tăng cường năng lực logistics và số hóa thương mại xuyên biên giới tại các nước đang phát triển – từ đó giúp họ không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Sáng kiến như “Digital Trade Corridors” giữa châu Á và châu Phi đang được thử nghiệm nhằm giảm chi phí biên mậu tới 20%.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thương mại hiện tại cũng mở ra cơ hội chiến lược để các quốc gia và DN tái định hình mô hình tăng trưởng. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định, các nền kinh tế đang phát triển có thể trở thành “bến đỗ” mới cho dòng vốn, sản xuất và tiêu dùng, nếu biết tận dụng xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hà Tĩnh: sẵn sàng đưa bến số 3 Cảng quốc tế Lào- Việt vào khai thác
Kinhtedothi - Thông tin từ Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt cho biết, bến số 3 Cảng quốc tế Lào- Việt ở Khu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh) sẽ khánh thành đưa vào khai thác ngày 28/4 tới.

Bạn bè quốc tế ấn tượng với người cựu binh Việt Nam
Kinhtedothi - Mới đây, Hãng thông tấn Mỹ Latinh Prensa Latina đã dành những lời trân trọng và xúc động khi đưa tin về hành trình đầy cảm hứng của cựu chiến binh Trần Văn Thanh, người đang vượt hơn 1 nghìn 200 ki lô mét từ thành phố Vinh (Nghệ An) tới Thành phố Hồ Chí Minh bằng xe máy để tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30 tháng tư năm 1975 30 tháng tư năm 2025).

Đảm bảo an toàn khai thác Cảng hàng không quốc tế
Kinhtedothi - Cục Hàng không Việt Nam vừa ra Chỉ thị tăng cường công tác đảm bảo an toàn khai thác đối với các phương tiện hoạt động tại Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất.