Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trẻ em châu Á đang bị đầu độc bởi biến đổi khí hậu

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo UNICEF, trẻ em châu Á đang phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp nhất do biến đổi khí hậu.

Silvia Gaya, cố vấn cấp cao về nước, vệ sinh môi trường của UNICEF Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương (EAPRO) cho biết: khủng hoảng khí hậu tác động trực tiếp đến trẻ em trên toàn thế giới.

Bà dẫn vài số liệu của UNICEF về hậu quả của biến đổi khí hậu đến trẻ em Đông Á-Thái Bình Dương. 

Theo đó, hơn 140 triệu trẻ đối mặt với tình trạng khan hiếm nước; 120 triệu trẻ sống ở những vùng ven biển thường xảy ra ngập lụt; 210 triệu trẻ liên tục gặp nguy hiểm từ lốc xoáy và 460 triệu trẻ tiếp xúc hàng ngày với không khí ô nhiễm. Hơn thế nữa, cùng lúc, một đứa trẻ có thể phải chịu từ hai mối đe dọa trở lên, thậm chí bốn hiểm họa. Tỷ lệ này ở khu vực châu Á lên đến 65%, cao hơn nhiều với mức trung bình 37% trên toàn cầu.

Trẻ em không nên là nạn nhân của việc quản lý môi trường yếu kém của người lớn. Nguồn: Asia Times
Trẻ em không nên là nạn nhân của việc quản lý môi trường yếu kém của người lớn. Nguồn: Asia Times

Tệ hơn là nhiều em không được tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu và phải nghỉ học.

Hậu quả của biến đổi khí hậu làm gia tăng bất bình đẳng ở trẻ em, khiến chúng khó tiếp cận các dịch vụ bảo vệ và phục hồi.

Trước việc trẻ em ở Đông Á-Thái Bình Dương đang phải hứng chịu số lượng thảm họa liên quan đến khí hậu cao gấp 6 lần so với thế hệ trước, bà Gaya cho biết:

Hiện khí hậu đã rơi vào khủng hoảng với nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,1 độ do khí thải nhà kính. Do đó, giải pháp lâu dài nhất là giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên vì khủng hoảng có thể trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới, chúng ta cần áp dụng các cơ chế thích ứng và phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là đối với trẻ em.

Khi được hỏi về tác động không đồng đều của biến đổi cũng như các biện pháp ứng phó của UNICEF, bà tiết lộ: Chắc chắn những đứa trẻ nghèo nhất sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do được tiếp cận ít nhất với các dịch vụ xã hội cần thiết cho việc phục hồi. Hơn nữa, khủng hoảng khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn nhiều khía cạnh khác, như phúc lợi xã hội không đồng đều đối với phụ nữ và trẻ em gái, trẻ khuyết tật hoặc các nhóm bản địa.

Về giải pháp, hiện UNICEF đang cố gắng đảm bảo mọi trẻ em đều được tiếp cận các dịch vụ xã hội quan trọng và có khả năng thích ứng liên tục với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.

Đây là cơ sở quan trọng cho khả năng phục hồi của trẻ em cũng như cả cộng đồng. Tất cả những gì chúng ta đang làm là vì trẻ em và thanh thiếu niên, giúp họ hướng tới tương lai mong muốn, quan chức UNICEF nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu thông minh và hiệu quả, bà Gaya khẳng định chúng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho trẻ em bị ảnh hưởng.

Đầu tiên, các giải pháp này có tính bền vững, ví dụ công trình cấp nước và vệ sinh môi trường được xây dựng sao cho chịu được hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn; trường học và trạm y tế được có thể ứng cứu khi có sự cố. Những giải pháp này sẽ hiệu quả hơn khi kết hợp với các hệ thống cảnh báo sớm.

Thứ hai, những giải pháp này phải có tính thích ứng cao. Ví dụ, trung tâm y tế cần đáp ứng các bệnh truyền nhiễm gia tăng do biến đổi khí hậu; công trình cấp nước và vệ sinh phù hợp với mức độ thay đổi của nguồn nước. Đặc biệt, trẻ em nên được dạy một cách khoa học về biến đổi khí hậu, cũng như các cơ chế để bảo vệ bản thân tốt hơn khỏi tác động của khí hậu.

Và cuối cùng, giảm lượng khí thải, ô nhiễm và chất thải càng nhiều càng tốt và cần giảm mức độ tiếp xúc của trẻ em với các mối nguy hiểm.

Tuy nhiên, theo bà Silvia Gaya, quan trọng hơn cả là các bậc cha mẹ phải quan tâm đến sức khỏe, thường xuyên tương tác với con trẻ nhiều hơn để phòng ngừa rủi ro, đồng thời, cần sự vào cuộc của tất cả mọi người nhằm giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm. Cuối cùng, mỗi nước cần ưu tiên trẻ em và các dịch vụ thiết yếu cho chúng để giảm thiểu rủi ro từ biến đổi khí hậu.