Trẻ “trót” uống phải sữa giả, có cần thiết phải đi xét nghiệm?
Kinhtedothi - Những ngày qua, vụ gần 600 loại sữa giả mới bị lực lượng Công an thu giữ vẫn luôn là đề tài “hot”, gây sự chú ý của cộng đồng mạng xã hội. Nhiều phụ huynh không khỏi hoang mang, lo lắng khi phát hiện nuôi con bằng sữa giả, trót đặt niềm tin vào các sản phẩm không được kiểm chứng.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, phụ huynh không nên quá lo lắng vội đưa trẻ đi xét nghiệm ngay. Điều quan trọng nhất là cần theo dõi kỹ những thay đổi ở trẻ để có hướng xử lý đúng đắn.
Trót đặt niềm tin sản phẩm kém chất lượng
Sau khi vụ gần 600 loại sữa giả được phát hiện, nhiều bà mẹ vô cùng hối hận, áy náy vì đã vô tình khiến con phải dùng sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng, trong khi, giá sản phẩm không hề rẻ. Điều các phụ huynh thực sự muốn biết là suốt thời gian qua, con của họ đã nạp vào người những chất gì?
Trước tình hình đó, các hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh lo lắng hỏi nhau khi con đã uống sữa giả, có cần đi xét nghiệm không? Trên trang Facebook “Hội ba mẹ yêu con” đã từng đăng tải dòng trạng thái khuyến cáo: “…Vì tiền bất chấp người tiêu dùng… Các bố mẹ vào xem có loại con uống không? Nếu có thì mang con đi xét nghiệm tổng quát lại”.
Còn trên tài khoản Đ.T.K.C., đăng tải trên trang cá nhân với dòng trạng thái: “Điểm danh các mẫu mã sữa giả, các mẹ xem đã dính loại nào rồi? Con mình 2 đứa cho bú mẹ sau này toàn uống sữa bán trong siêu thị. Người ta quảng cáo sữa tăng chiều cao, tăng trí thông minh, tôi không ham hố. Các mẹ cho con uống nhiều năm các loại sữa này cũng nên cho con đi gấp đến bệnh viện xét nghiệm và kiểm tra tổng quát xem bị nhiễm các loại độc tố gì”.
Tài khoản Q.M. đồng tình chia sẻ: “Nếu sản phẩm các mẹ đang dùng cho bé chưa được công bố rõ ràng thì các mẹ nên dừng lại ngay và đổi sang dùng dòng sữa khác có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”. “Tôi cho con uống sữa không thuộc dòng sữa giả nhưng chính hãng hay không thì không phân biệt được. Tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc triệt phá những đường dây này để các cháu bé vô tội được khoẻ mạnh” – tài khoản H.T.O. bày tỏ.

TS Trương Hồng Sơn – Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam. Ảnh: Thanh Bình
Đề cập đến vấn đề này, TS Trương Hồng Sơn – Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, vụ việc sữa bột giả xảy ra khiến cộng động cũng như các chuyên gia dinh dưỡng rất lo lắng. Bởi đây là các sản phẩm liên quan đến đối tượng đặc biệt là trẻ em, người già, phụ nữ mang thai…
Có thể thấy, về dinh dưỡng ở trẻ em, sữa đóng vai trò rất quan trọng, đóng góp năng lượng, cung cấp vitamin và khoáng chất như vitamin A, vitamin D, thiamine (B1), B12, kali, canxi, magie, kẽm. Đây là một nguồn protein tuyệt vời và chứa hàng trăm acid béo khác nhau, bao gồm acid linoleic liên hợp (CLA) và omega-3.
Sữa giả là một sự việc xảy ra quá đáng tiếc, cần phải xử lý nghiêm những đơn vị cung cấp. Tuy nhiên, câu chuyện sữa giả chỉ là một phần trong khẩu phần ăn, bởi còn tùy theo từng trường hợp của mỗi trẻ.
Ví dụ trong trường hợp, có thể trẻ được dùng năng lượng thấp hoặc loại sữa đó không đủ vi khoáng, nhưng nếu việc chăm sóc và ăn uống đầy đủ trong quãng thời gian qua, trẻ vẫn đang phát triển với cân nặng, chiều cao đạt chuẩn thì các phụ huynh không nên quá lo lắng vội đưa trẻ đi xét nghiệm ngay.
Nhưng với những trẻ ngay cả bữa ăn bình thường đã không tốt, thêm sữa giả, có thể làm cho trẻ bị suy dinh dưỡng. Để chứng minh điều này, cha mẹ có thể theo dõi chiều cao, cân nặng theo tuổi của con. Nếu trẻ thấp hơn hoặc có những dấu hiệu thiếu vi chất như thiếu máu, da xanh…, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để biết tình trạng của con như thế nào, từ có phương án phục hồi cho con sớm.
Phụ huynh không nên quá lo lắng
TS Trương Hồng Sơn cho rằng, cân nặng của trẻ có thể phục hồi bất cứ thời điểm nào, miễn sao không để trẻ suy dinh dưỡng nặng hoặc thiếu chất. Nhưng với chiều cao, nếu không phục hồi nhanh đến hết tuổi phát triển chiều cao, khi đó, trẻ không còn cơ hội tăng trưởng, gây thiệt thòi cho trẻ.
Nếu một đứa trẻ ăn tốt, có thể bù vào chế độ ăn thông thường hoặc từ sữa mẹ. Nhưng với những trẻ không đủ sữa mẹ hoặc chế độ ăn không đầy đủ lại cộng thêm sữa giả với hàm lượng protein thấp, từ đó sẽ ảnh hưởng đến protein. Về mặt hóa học, protein liên quan đến các vấn đề về hormone, miễn dịch, tạo cơ, nhiều vấn đề về năng lượng. Còn các vi khoáng khác: canxi, sắt, kẽm,… liên quan đến tăng trưởng, miễn dịch của trẻ, vitamin A, C…
Như vậy, nếu sữa bột giả có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố sẽ dẫn tới thiệt thòi cho trẻ 10-15% protein hoặc từ các chất khoáng khác. Ngoài ra, sữa bột giả còn tạo nên khoảng trống khi nhiều phụ huynh tin cậy sản phẩm chứa đầy đủ các chất cho trẻ nên không bổ sung các chất khác, từ việc đặt niềm tin sai chỗ sẽ dẫn tới ảnh hưởng sự phát triển của trẻ.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế cảnh báo, nếu tiêu thụ sữa giả hoặc sữa không đảm bảo về chất lượng an toàn thực phẩm có thể gây ra tình trạng ngộ độc cấp, các rối loạn tiêu hóa (như tiêu chảy, nôn ói…). Đặc biệt có thể dẫn đến tình trạng mất nước, tiêu chảy cấp, hoặc các vấn đề dị ứng, nếu sản phẩm sữa đó không đảm bảo an toàn các thành phần dị ứng cho trẻ khi sử dụng thì rất khó để lường trước hậu quả.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, trong hoàn cảnh này, điều quan trọng nhất là cha mẹ giữ bình tĩnh, theo dõi kỹ những thay đổi ở trẻ để có hướng xử lý đúng đắn. Nếu trẻ dùng sữa mà không tăng cân, hoặc có biểu hiện phù nề, tiêu hóa kém, biếng ăn… cha mẹ nên đưa trẻ đến khám dinh dưỡng để được kiểm tra và tư vấn kịp thời.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý, việc sử dụng sữa giả thời gian dài có thể gây những hậu quả âm thầm nhiều cha mẹ khó phát hiện. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi, kiểm tra thêm. Trong một số trường hợp, nếu sản phẩm chứa đạm không phù hợp, chức năng thận của trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng. Khi nghi ngờ, việc thực hiện xét nghiệm đánh giá chức năng thận là điều không nên chần chừ.
Trích dẫn
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sữa giả thường không được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, có thể chứa các vi khuẩn, virus gây hại hoặc các chất phụ gia không an toàn. Khi trẻ uống phải những loại sữa này, nguy cơ bị tiêu chảy cấp, nôn mửa, đau bụng và các rối loạn tiêu hóa khác tăng lên đáng kể.

Bịt lỗ hổng, chặn sản xuất, phân phối sữa giả
Kinhtedothi - Gần đây, hai vụ án lớn liên quan đến sữa giả, kẹo rau củ Kera được quảng cáo “thổi phồng” công dụng liên tiếp bị triệt phá và khởi tố gây chấn động dư luận. Sau mỗi vụ án với những khoản lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng từ hàng giả được phanh phui, dư luận lại đặt ra hàng loạt nghi vấn về việc tự công bố chất lượng sản phẩm, trách nhiệm quản lý, có hay không lỗ hổng pháp lý?...

Vấn nạn sữa giả, thuốc giả còn kéo dài bao lâu?
Kinhtedothi - Thông tin sữa giả, sữa kém chất lượng vừa được cơ quan chức năng phát hiện mới đây chưa hết xôn xao dư luận thì trên báo chí lại đăng tải vụ việc đường dây sản xuất thuốc giả lớn bị triệt phá.

Cử tri kiến nghị có chế tài mạnh xử lý người tham gia quảng cáo sữa giả, thuốc giả
Kinhtedothi - Sáng 18/4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khóa XV (Đơn vị bầu cử số 3) đã tổ chức tiếp xúc cử tri các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.