Thông tin về tình hình quan hệ lao động, đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động và hoạt động Công đoàn, Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, Hà Nội có trên 270 nghìn doanh nghiệp, với khoảng 2,7 triệu lao động. Trong thời gian qua, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP vẫn giữ được ổn định; số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công, ngừng việc có xu hướng giảm mạnh. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể… ngày càng phổ biến và đi vào thực chất hơn.
Về vấn đề tiền lương, tiền thưởng, tuy sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, song đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, phúc lợi cho người lao động. Thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ, từ ngày 1/1/2023 mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động tăng bình quân xấp xỉ 6%. Điều này đã hỗ trợ, giảm bớt những khó khăn hơn cho người lao động; tiền lương bình quân của người lao động năm trong quý 1/ 2024 là 7 triệu đồng/tháng.
"Với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... Đặc biệt, còn khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở trong các khu công nghiệp và chế xuất" - Chủ tịch LĐLD TP Hà Nội nhấn mạnh.
Đối với vấn đề nhà ở của công nhân lao động ở các khu công nghiệp, Chủ tịch LĐLĐ TP cho biết, Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp và chế xuất, Khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp và khoảng 167 nghìn lao động, trong đó phần lớn là lao động ngoại tỉnh. Tuy nhiên, hiện có khoảng trên 70% công nhân, người lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... gây khó khăn cho đời sống công nhân.
TP đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động, chủ yếu hỗ trợ người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, như: giảm giá thuê nhà trọ, giảm giá điện, nước…; vận động chủ doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp.
Đồng thời, các cấp Công đoàn TP tăng cường các hoạt động chăm lo cho công nhân, người lao động, đặc biệt tại các khu công nghiệp và chế xuất. Tuy nhiên, do mức thu nhập của công nhân, người lao động còn chưa đáp ứng được các khoản chi tiêu trong cuộc sống, nên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo Chủ tịch LĐLĐ TP, mặc dù công tác quản lý Nhà nước về lao động đã được các cấp chính quyền TP triển khai, thực hiện tốt; các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động trên địa bàn TP thực hiện đúng các quy định pháp luật về mức lương tối thiểu vùng, các quy định về thời giờ làm việc, hỗ trợ bổ sung nhiều khoản trợ cấp cho người lao động. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động.
Một số vi phạm phổ biến như: hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, xây dựng thang bảng lương thiếu rõ ràng… ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người lao động.
Để giải quyết tình trạng trên, LĐLĐ TP đã chủ động phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tỷ lệ doanh nghiệp thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt 75,5%; tỷ lệ các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động đạt 74,3%... Qua đó đã phát huy dân chủ, nắm bắt tâm tư, tình cảm và kịp thời giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ổn định và phát triển.