Trên 90% công nhân được khảo sát không có mức sống đàng hoàng

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng chi phí cho một hộ gia đình 4 người ở TP Hồ Chí Minh trên 10 triệu đồng/tháng, tỉnh Sóc Trăng/Thái Bình gần 6,7 triệu đồng/tháng.

Trong khi ấy tổng lương của công nhân ngành may ở TP Hồ Chí Minh hơn 4,8 triệu đồng/người/tháng và lương chế biến tôm ở tỉnh Sóc Trăng/Thái Bình 3,2 triệu đồng/tháng.
Hội thảo Công bố lương đủ sống thành thị và nông thôn Việt Nam theo phương pháp Anker do Tổ chức liên minh đủ sống và SAI tổ chức chiều nay 25/4. Tại đây, bà Đỗ Quỳnh Chi và Nguyễn Huyền Lê – đại diện nhóm nghiên cứu công bố kết quả nghiên cứu về “Lương đủ sống Anker”, tức là mức lương mà người lao động (NLĐ) nhận được cho thời gian làm việc bình thường đủ để duy trì mức sống đàng hoàng cho bản thân và gia đình, được thực hiện năm 2016 tại TP Hồ Chí Minh và hai tỉnh Sóc Trăng, Thái Bình. 
 Tại buổi toạ đàm các đại biểu cho rằng kết quả nghiên cứu này là cơ sở để họ tham khảo khi tính toán mức lương tối thiểu cho NLĐ trong thời gian tới.
80 công nhân ngành may của 4 nhà máy tại TP Hồ Chí Minh và 40 công nhân chế biến tôm của hai nhà máy ở Thái Bình và Sóc Trăng được khảo sát theo 3 nguyên tắc. Đó là, không tính lương tăng ca; trợ cấp, phụ cấp: đa số NLĐ được hưởng và phải được hưởng thường xuyên; trợ cấp bằng hiện vật có giá trị đối với NLĐ và gia đình, đạt tiêu chuẩn tối thiểu, được hưởng thường xuyên.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng lương NLĐ ngành may TP Hồ Chí Minh là 4.812.000 đồng bao gồm lương cơ bản, trợ cấp chuyên cần, trợ cấp chi phí sinh hoạt; thưởng tết; thưởng cuối năm; bữa ăn ca 15.000 đồng/ngày. So với mức lương đủ sống là 6.435.864 đồng, tổng lương của NLĐ TP Hồ Chí Minh thấp hơn 1.623.864 đồng.

Bà Quỳnh Chi và Huyền Lê cho biết, các tiêu chí của mức sống đàng hoàng bao gồm: Thực phẩm, nước, nhà ở, giáo dục, y tế, giao thông, quần áo và các nhu cầu thiết yếu khác, cũng như chi phí dự trù cho các sự việc phát sinh ngoài dự tính. 

Tương tự, tổng lương của NLĐ chế biến tôm ở tỉnh Sóc Trăng/Thái Bình là 3.207.133 đồng, gồm lương cơ bản, trợ cấp trách nhiệm, thưởng cuối năm, thưởng Tết, trợ cấp hiện vật. Trong khi mức lương đủ sống là 3.991.841 đồng, lương NLĐ Sóc Trăng/Thái Bình nhận được thấp hơn 784.711 đồng.

Kết quả nghiên cứu cũng đưa ra thông tin, tổng chi phí cho 1 hộ gia đình công nhân ở TP Hồ Chí Minh (2 người lớn đi làm và 2 trẻ em đi học)/tháng là 10.252.975 đồng, bao gồm: chi phí thực phẩm 3.774.830 đồng, chi phí nhà ở 2.046.800 đồng, chi phí phi thực phẩm và phi nhà ở 3.934.108 đồng, chi phí phát sinh 5% 488.237 đồng.
Tổng chi phí cho 1 hộ gia đình ở Sóc Trăng/Thái Bình là 6.680.944 đồng, bao gồm: chi phí thực phẩm 2.940.805 đồng, chi phí nhà ở 1.087.000 đồng, chi phí phi thực phẩm và phi nhà ở 2.334.999 đồng, chi phí phát sinh 5% là 318.140 đồng.

So với mức lương của hai người lớn đi làm nuôi hai trẻ em, ở TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng và Thái Bình không đủ để trả cho các khoản thiết yếu cần thiết hàng tháng trong gia đình.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Kinh tế &Đô thị, bao nhiêu phần trăm trong số người được khảo sát có mức lương đủ sống đàng hoàng, bà Quỳnh Chi cho biết: NLĐ ngành may TP Hồ Chí Minh, làm thợ cắt có mức lương cao hơn, nhưng chỉ chiếm từ 5 – 7%, còn lại đa số thấp hơn 15 – 20% mức lương đủ sống. NLĐ ở tỉnh Sóc Trăng không ai đạt được mức lương đủ sống. Và, nếu bỏ làm tăng ca thì thu nhập của họ rất thấp.

Với kết quả nghiên cứu này đã có nhiều ý kiến băn khoăn, như số lượng NLĐ được khảo sát ít không thể đại diện cho NLĐ ở thành thị và nông thôn Việt Nam. Hiện nay đa số công nhân ngành may và chế biến tôm đều làm thêm ngoài giờ. Không những thế, việc làm thêm ngoài giờ đã được pháp luật quy định nhưng khi nghiên cứu lại không đưa tiêu chí này vào. Nếu đưa vào thì thu nhập của NLĐ được khảo sát sẽ thay đổi theo hướng tăng hơn. Lại có ý kiến cho rằng đơn vị nghiên cứu dùng từ “mức sống đàng hoàng” cho nghiên cứu này có vấn đề so với thực tế cuộc sống. Vì các tiêu chí đưa ra để đảm bảo cuộc sống ở mức thiết yếu, cho nên thay bằng từ “mức sống cơ bản” sẽ hợp lý hơn.

Phương pháp lương đủ sống Anker khác biệt với các phương pháp lương đủ sống khác ở 5 điểm. Thứ nhất, nhấn mạnh sự tham gia của người dân địa phương và các tổ chức để tăng độ tin cậy và sự chấp nhận của các đối tác. Thứ hai, không lặp lại các điều kiện đói nghèo mà hướng tới mức sống đàng hoàng cho NLĐ. Thứ ba, chi phí nhà ở và thực phẩm sử dụng theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đảm bảo mức sống chấp nhận được. Thứ tư, kết hợp dữ liệu thứ cấp và sơ cấp.  Thứ năm, tác các cấu phần lương đủ sống so với lương thực trả cho NLĐ.

Bà Quỳnh Chi và Huyền Lê cho biết, các tiêu chí của mức sống đàng hoàng bao gồm: Thực phẩm, nước, nhà ở, giáo dục, y tế, giao thông, quần áo và các nhu cầu thiết yếu khác, cũng như chi phí dự trù cho các sự việc phát sinh ngoài dự tính.