Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trí tuệ nhân tạo - ngành siêu hot trong kỷ nguyên số

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) là từ khóa được nhiều người tìm kiếm. Đây vừa là xu thế, vừa là nhu cầu, vừa là đòi hỏi của xã hội cả ở hiện tại và tương lai.

Có thể khẳng định: AI là ngành nghề hấp dẫn dành cho những người mê khoa học, yêu thích khám phá, giàu tri thức trong kỷ nguyên số.

AI - chìa khóa tương lai

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển và hiện đại hóa của xã hội. Trí tuệ nhân tạo hay AI là ngành thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ máy tính.

AI hoạt động dựa trên cơ chế mô phỏng suy nghĩ, nhận thức của con người và đưa vào bộ não của các thiết bị, hệ thống; từ đó hệ thống sẽ có được trí thông minh như con người, biết dựa vào từng tình huống để có những cách xử lý khác nhau.

Trí tuệ nhân tạo đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, như y tế, tài chính, sản xuất, giao thông vận tải và hàng loạt các ứng dụng khác. Một trong những ứng dụng tiêu biểu của trí tuệ nhân tạo là trong lĩnh vực nhận dạng giọng nói và khuôn mặt.

Công nghệ này giúp chúng ta có thể truy cập nhanh chóng và dễ dàng vào các thiết bị điện tử thông minh, từ việc mở khóa điện thoại bằng nhận dạng khuôn mặt đến việc truy cập tài khoản ngân hàng bằng giọng nói.

Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo còn được ứng dụng trong việc phân tích và xử lý dữ liệu lớn (big data). Các công ty lớn như Google, Facebook, Amazon, Microsoft... đều sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu và cung cấp các giải pháp thông minh cho người dùng. Chính những ứng dụng này đã giúp tăng hiệu quả và tiết kiệm thời gian cho nhiều hoạt động.

Một lĩnh vực khác có tính ứng dụng cao của trí tuệ nhân tạo là trong các hệ thống tự động hóa, như xe tự lái hay robot công nghiệp. Những công nghệ này được phát triển và áp dụng trong các nhà máy sản xuất, giúp tăng năng suất và giảm chi phí lao động.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo phân tích của các nhà khoa học, chỉ trong vòng 6 - 8 năm nữa, trí tuệ nhân tạo sẽ hoàn thiện về mọi mặt. Đặc biệt hơn, trong vòng 50 năm nữa, AI sẽ thay thế hoàn toàn nguồn lao động con người trong một vài công việc như: công nghiệp nặng, hóa chất, dây chuyền sản xuất…

Những năm gần đây, ngành trí tuệ nhân tạo có sự phát triển rất nhanh chóng tại Việt Nam. Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dịch vụ việc làm (TITC), từ 2015 đến 2020, ngành trí tuệ nhân tạo được đánh giá là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về nhân lực ở nước ta với mức độ tăng trưởng trên 14% hằng năm.

Yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành này là sự tiếp cận dễ dàng đến công nghệ thông minh và tiến bộ của khoa học và công nghệ. Nhiều công ty, tổ chức cũng đã đầu tư nghiên cứu và phát triển các ứng dụng mới của trí tuệ nhân tạo.

Sức hấp dẫn của ngành trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo là một ngành siêu hot, cơ hội việc làm rất lớn và nguồn nhân lực đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Nắm bắt được tình hình này, song song với công tác đào tạo, nhà nước ta đã tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực AI. Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dịch vụ việc làm (TITC), nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này đang tăng cao từ 10 - 15% hàng năm.

Khi định hướng theo ngành AI, học sinh có thể tìm hiểu ở các cơ sở: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh…

Chương trình đào tạo của các nhà trường với ngành này nhìn chung đều theo hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên nhu cầu thực tiễn của những công ty công nghệ trong lĩnh vực AI hiện nay. Sinh viên ngành trí tuệ nhân tạo sẽ được học các môn học thông qua thực hiện các dự án cụ thể, từ thực tế trên nền tảng platform AI phổ biến như Intel AI, IBM Watson, Google AI hay Amazon; được tạo mọi điều kiện để giao lưu, thử sức với các vị trí AI trong các DN, công ty,… để có thêm kinh nghiệm, kỹ năng và điều kiện phát triển bản thân.

Tùy trường, ngành trí tuệ nhân tạo được xét tuyển bằng các tổ hợp như: A00, A01, A19, D01, D07, D09, C00... Điểm chuẩn ngành trí tuệ nhân tạo luôn nằm ở nhóm điểm cao. Học ngành này, sinh viên ra trường có thể làm kỹ sư AI, chuyên gia nghiên cứu và phát triển các công nghệ AI mới, giảng viên, nhà phát triển phần mềm, chuyên viên phân tích dữ liệu, chuyên viên marketing...

Mức lương của ứng viên ngành trí tuệ nhân tạo cũng hấp dẫn bậc nhất hiện nay. Theo khảo sát của một số đơn vị uy tín, mức lương trung bình của kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI Engineer) tại Việt Nam là 75,9 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương trung bình của kỹ sư phần mềm là 50,4 triệu đồng/tháng.

 

Các bạn trẻ hãy cố gắng học thật tốt để trước hết phải trở thành con người, chứ không phải biến mình thành robot... Các bạn nên nhớ, AI không thể thay thế bạn nhưng người sử dụng AI sẽ thay thế bạn. Không ai biết trước được điều gì, quan trọng là đừng bao giờ sợ hãi, phải luôn cởi mở, không ngừng học tập và phải biết thích nghi với mọi thay đổi.

Thạc sĩ Đào Trung Thành - Phó Viện trưởng Viện Blockchain
và Trí tuệ nhân tạo (ABAII)

Thống kê từ Tập đoàn Navigos cho kết quả: nhóm kỹ sư phát triển phần mềm liên quan đến trí tuệ nhân tạo có mức lương gần 1.900 USD/tháng cùng các chế độ đãi ngộ hấp dẫn khác. Một số vị trí việc làm trong ngành trí tuệ nhân tạo bao gồm: Kỹ sư trí tuệ nhân tạo; Chuyên viên khoa học dữ liệu; Nhà khoa học máy tính; Kỹ sư máy học…

Tại buổi nói chuyện với sinh viên với chủ đề "Hệ thống tên lửa đẩy tiên tiến và trí tuệ nhân tạo" do Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) vừa tổ chức, Thạc sĩ Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) cho rằng trong tương lai gần, sẽ có khoảng 40% số nghề nghiệp bị thay thế bởi AI...

Tuy nhiên, có những nghề mất đi thì AI cũng sẽ tạo ra nhiều nghề nghiệp mới. Những kỹ sư AI luôn được các DN lớn về công nghệ săn đón và có mức lương thuộc tốp cao nhất. Do đó, nếu một học sinh nào đó đam mê công nghệ, có kiến thức nền tảng về toán - tin vững chắc, thành thạo ngoại ngữ,... thì AI là một trong những lựa chọn phù hợp nhất.

Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ có mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo trở thành công nghệ mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới.

 

Sự phát triển của AI trong bối cảnh toàn cầu hiện nay vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với giáo dục. Thực tế mới này đòi hỏi phải có sự thay đổi trong các kỹ năng giáo dục cho học sinh, sinh viên thông qua hệ thống giáo dục quốc gia.

Tara O’Connell - Trưởng Chương trình Giáo dục, Tổ chức UNICEF Việt Nam