Triển khai các giải pháp chống thất thu, hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội

Khánh Phong
Chia sẻ Zalo

Thời gian tới, đơn vị sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế. Đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách, từ đó kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả.

Theo các chuyên gia kinh tế, để bảo đảm thu ngân sách đúng như dự toán, TP Hà Nội cần tiếp tục đốc thúc thu, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp chống thất thu.  
Theo các chuyên gia kinh tế, để bảo đảm thu ngân sách đúng như dự toán, TP Hà Nội cần tiếp tục đốc thúc thu, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp chống thất thu.  

Theo báo cáo, trong 6 tháng năm 2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội là 220,1 nghìn tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán pháp lệnh, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa là 207,2 nghìn tỷ đồng, đạt 64% dự toán và tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước; thu từ dầu thô 1,7 nghìn tỷ đồng, đạt 79,9% và tăng 34,4%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 11,3 nghìn tỷ đồng, đạt 41,7% và giảm 13,4%.

Theo chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh, kết quả như trên của Hà Nội là rất tích cực bởi mới nửa năm thu ngân sách đã được quá một nửa so với dự toán, trong khi thông thường thu ở nửa cuối năm sẽ nhiều hơn.

“Kết quả khả quan trên là nhờ nhiều yếu tố, trong đó có sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, sự quyết liệt của cơ quan thuế, hải quan trong đôn đốc thu và giảm thất thoát, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính”- Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, mặc dù đạt kết quả khả quan, tuy nhiên, không thể chủ quan, bởi hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm là vấn đề cần quan tâm. Đặc biệt, nếu không quản lý tốt, lạm phát cao sẽ làm giá hàng tăng lên, kìm hãm tiêu dùng và sản xuất. Bên cạnh đó, chính sách giảm, giãn thuế, phí, đặc biệt là giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm 2% thuế giá trị gia tăng… sẽ tác động đến thu ngân sách trong những tháng tới. “Vì vậy, để bảo đảm thu ngân sách đúng như dự toán, TP Hà Nội cần tiếp tục đốc thúc thu, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp chống thất thu” - chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Theo Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Mai Sơn, trước những khó khăn như sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất và giá nhiều yếu tố đầu vào tăng, thị trường xuất, nhập khẩu bị thu hẹp, ngay từ đầu năm, Cục Thuế TP Hà Nội đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai công tác thuế năm 2023. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn, triển khai sớm các chương trình, giải pháp phục hồi kinh tế của Chính phủ, TP Hà Nội, với phương châm 100% doanh nghiệp, người dân thuộc đối tượng hỗ trợ được biết và thụ hưởng chính sách.

Ông Mai Sơn cho biết, thời gian tới, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế. Đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách, từ đó kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra hồ sơ khai thuế, rà soát những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác tăng thu lớn theo chuyên đề như: Thương mại điện tử, giao dịch liên kết, chuyển nhượng bất động sản...; không kiểm tra định kỳ đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh... Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý thuế, thông qua cải cách hành chính thuế để hỗ trợ người nộp thuế tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần nâng năng lực cạnh tranh.