Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai dự án đô thị thông minh và công nghệ xây dựng năm 2024

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ngày 23/1, tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc tổ chức Hội nghị triển khai dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” năm 2024.

Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” năm 2024 (dự án VKC), nhằm mục đích thành lập một trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam;

Từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030 và tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc nói chung, giữa Bộ Xây dựng Việt Nam – Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc nói riêng. 

Một góc Khu đô thị An Vân Dương, TP Huế
Một góc Khu đô thị An Vân Dương, TP Huế

Dự án VKC được triển khai thực hiện sẽ góp phần đẩy nhanh công tác thực hiện Đề án 950 “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đọan 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”; thông qua việc xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam và các hoạt động tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ về đô thị thông minh. 

Về việc triển khai nhiệm vụ năm 2024, các bên đã cùng trao đổi công việc thực hiện dự án như tập trung hoàn thành Trung tâm VKC, khu trưng bày triển lãm và thực nghiệm về đô thị thông minh tại Khu đô thị Tây hồ Tây, phát triển các công nghệ tiên tiến, xây dựng mô hình 3D.

Thực hiện vận hành thí điểm khu trưng bày triển lãm, tổ chức các sự kiện về trao đổi công nghệ, tham gia xây dựng nội dung đào tạo online, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa hai bên để công tác thực hiện đạt kết quả tốt, đúng như mục tiêu đề ra. Trung tâm VKC vận hành và quản lý như thế nào cho hiệu quả là vấn đề quan trọng được đặt ra.

Các kết quả nghiên cứu sẽ được tích hợp vào nội dung chương trình và tài liệu đào tạo về đô thị thông minh, triển khai đào tạo bồi dưỡng thí điểm trong năm 2024 cho các đơn vị, địa phương tại Việt Nam để từng bước hiện thực hóa Đề án 950 của Chính phủ về phát triển đô thị Việt Nam thông minh bền vững.

Việc Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hàn Quốc cho lĩnh vực phát triển đô thị thông minh thông qua dự án Hỗ trợ kỹ thuật này thực sự cần thiết và hữu ích trong bối cảnh Việt Nam đang ở bước đầu xây dựng đô thị thông minh.

Dự án sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chiến lược phát triển ngành, công tác lập quy hoạch phát triển đô thị trên toàn quốc một cách bền vững thông qua: xây dựng hướng dẫn về đô thị thông minh và thí điểm áp dụng quy trình công nhận đô thị thông minh; thực hiện thí điểm thành công quy hoạch tổng thể đô thị thông minh; tăng cường năng lực, trao đổi và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh để tiến tới hình thành được chuỗi đô thị thông minh trên phạm vi cả nước vào năm 2030.

Trong Hợp phần 2 của dự án về Thí điểm lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh cho Khu đô thị An Vân Dương A và B - TP Huế. Trước đó, tháng 9/2023, phía đối tác Hàn Quốc đã trình bày cáo cáo sản phẩm cuối cùng của công tác lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh tại TP Huế. 

Các chuyên gia Hàn Quốc sẽ hoàn thiện Phương án Quy hoạch tổng thể đô thị thông minh cho Khu đô thị mới An Vân Dương A và B, dự kiến thực hiện từ tháng 1 đến hết tháng 7 năm 2024. Dự án đã có nhiều khảo sát quy hoạch tại TP Huế và đưa ra 5 khái niệm, 5 tầm nhìn theo 5 hạng mục đánh giá.