Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân. Thông tư 39/2017/TT-BYT được ban hành để hướng tới mục tiêu này và là cơ sở để xây dựng phương thức chi trả, đáp ứng nhu cầu KCB của người dân. Có hiệu lực từ ngày 1/12/2017, Thông tư hướng dẫn việc cung cấp dịch vụ y tế cơ bản (DVYTCB) cho người dân theo hai gói dịch vụ y tế: “Gói DVYTCB do quỹ BHYT chi trả” và “Gói DVYTCB phục vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe”.
Theo đó, các gói dịch vụ bao gồm các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, hóa chất, vật tư để chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe, dự phòng và điều trị áp dụng đối với các cơ sở y tế tại tuyến y tế cơ sở (gồm tuyến huyện và tuyến xã) và mọi người dân.
Các dịch vụ này sẽ là cơ sở để cơ quan BHXH và cơ sở y tế thống nhất được phạm vi dịch vụ y tế được thực hiện tại tuyến xã, xác định mức thanh toán cho các dịch vụ y tế này. Gói dịch vụ cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế khi đưa thêm một số loại thuốc sử dụng trong điều trị bệnh mạn tính như lao, phổi, tiểu đường, thuốc chống virus HIV/AIDS vào danh mục được cung cấp tại các trạm y tế tuyến xã. Bổ sung thuốc điều trị những căn bệnh thời đại mới như trầm cảm…Đặc biệt, Phan Thị Thu Hương - Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, người bệnh nhiễm HIV sẽ được hưởng các dịch vụ khám bệnh (sàng lọc phát hiện bệnh lao, bệnh nhiễm trùng cơ hội và tác dụng phụ của thuốc, tư vấn tuân thủ điều trị HIV) và cấp phát thuốc kháng HIV. Đối với những người chưa có tên trong hệ thống quản lý người nhiễm HIV, sau khi khám bệnh sẽ được giới thiệu đến cơ sở điều trị HIV/AIDS để hướng dẫn, điều trị ARV sớm. Tiếp đó, trạm y tế xã có thể theo dõi, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và duy trì điều trị thuốc ARV theo phác đồ đã được xây dựng riêng cho người bệnh…