Nghị quyết đang được triển khai và nhanh chóng đi vào đời sống xã hội.
Một loạt giải pháp được triển khai
Mục tiêu chính của Chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: Tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
Tại Nghị quyết 11/NQ-CP, Chính phủ đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, Nghị quyết 11/NQ-CP ra đời trong thời điểm này là rất kịp thời. Với việc ra đời rất nhanh có thể thấy rằng Nghị quyết sẽ nhanh chóng đi vào đời sống xã hội. Từ đó có tác động tích cực đến sản xuất, tiêu dùng; giúp thúc đẩy sự phục hồi, phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam một cách mạnh mẽ trong năm 2022.
Thực tế tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và tháng 2/2022 có nhiều chuyển biến tích cực. So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 6,3%, trong đó xuất khẩu tăng 1,6%; nhập khẩu tăng 11,5%; cả nước có 13.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192.300 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, tăng 28,9% về số DN, tăng 24% về số vốn đăng ký; vốn đăng ký FDI tăng 4,2%... tiếp tục là động lực cho sự phục hồi và tăng trưởng, tạo niềm tin cho người lao động, nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, Việt Nam đã mở đường bay thương mại thường lệ đến 10 nước và vùng lãnh thổ. Rất nhiều phương án đã được đưa ra nhằm khôi phục hoạt động hàng không với thế giới… Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với tỷ lệ phủ vaccine cao vào cuối năm ngoái, cùng với việc đẩy mạnh tăng cường tiêm thêm mũi thứ 3, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ có sự hồi phục với những tín hiệu tươi sáng, lạc quan trong năm nay.
Nhiều gói hỗ trợ giúp kinh tế phục hồi sau đại dịch
Nghị quyết 11/NQ-CP tập trung vào các nhóm giải pháp để hỗ trợ các DN trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi kinh tế. Nghị quyết nêu rõ, đối tượng hỗ trợ bao gồm: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Thời gian hỗ trợ chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Cụ thể, về an sinh xã hội, hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; trong đó mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các DN là 500.000 đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.
Về hỗ trợ phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho DN; cắt giảm chi phí cho DN. Tiếp tục thực hiện chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế; giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ… Thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho các DN trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi kinh tế.
Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, một trong những ưu tiên quan trọng của Chính phủ và Quốc hội là đưa ra các giải pháp phù hợp giúp nền kinh tế tái phục hồi và cộng đồng DN hoạt động trở lại để tạo đà cho sự tăng trưởng trong giai đoạn tới.
Những chính sách an sinh xã hội, tài khóa, tiền tệ để kích thích nền kinh tế như: Tiếp tục miễn, giảm thuế, phí cho DN; hỗ trợ lãi suất khoản vay qua các ngân hàng thương mại; hỗ trợ phát triển đổi mới sáng tạo cùng các chương trình đầu tư về hạ tầng... đòi hỏi nguồn lực khá lớn. Do đó, Nghị quyết 43/NQ-QH của Quốc hội là định hướng, cho phép Chính phủ có thể sử dụng nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế. Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ mang tính cụ thể với những đối tượng, thời gian thụ hưởng chính sách hay việc hưởng chính sách trong điều kiện như thế nào, phương thức ra làm sao là rất quan trọng. Do đó, chúng ta chờ đợi Nghị quyết này là vì điều đó” - ông Đậu Anh Tuấn nói.
Về phía cộng đồng DN đang rất kỳ vọng vào việc triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để các ngành kinh tế có phương án phát triển các hoạt động của mình. Đồng thời, mong muốn Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ nhanh, quyết liệt hơn, quy mô lớn hơn để tiếp tục phục hồi, phát triển sản xuất thuận lợi.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội Vương Trọng Tuấn bày tỏ, việc Chính phủ và Quốc hội vừa thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng sẽ là tiền đề để kích thích các hoạt động sản xuất trở lại, phát triển được kinh tế. Cùng với đó việc giảm 2% thuế VAT cũng góp phần tạo điều kiện hỗ trợ trực tiếp giúp DN phát triển.
Bắt tay ngay vào việc
Nghị quyết 11/NQ-CP được triển khai nghiêm túc, đồng bộ. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho hay, Bộ KH&ĐT tham mưu Chính phủ triển khai ngay gói hỗ trợ và giải ngân ngay trong 2 năm 2022 - 2023. Với những nhiệm vụ đưa ra cho các bộ, ngành phải triển khai ngay, chậm nhất trong quý I/2022.
Hiện nay, một số nhiệm vụ các bộ, ngành đã chủ động thực hiện như chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành. Về gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp chặt chẽ với nhau. Đồng thời, có các cơ chế giám sát để đảm bảo chương trình triển khai minh bạch.
Trong khi đó, Bộ GTVT đã kiến nghị phương án mở lại tất cả chuyến bay quốc tế từ 1/5. Tất nhiên, việc này còn phụ thuộc tiến trình tiêm phủ vaccine sắp tới. “Nếu độ bao phủ tốt, dịch bệnh được kiểm soát thì việc mở lại đường bay quốc tế có thể sớm hơn. Bộ GTVT sẽ rà soát lại sau Tết, nếu đủ điều kiện mở lại toàn bộ các đường bay chúng tôi sẽ kiến nghị mở sớm hơn với những phương án cụ thể trên cơ sở thống nhất với các quốc gia chúng ta khôi phục đường bay” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó, bao gồm các gói hỗ trợ cần đáp ứng những tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài và bao trùm sẽ mang lại hiệu quả như mong đợi. Về dài hạn, với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các chính sách tài khóa cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp; từ hỗ trợ tài chính sang hỗ trợ cơ chế… Từ đó, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững.