Đặc biệt, sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… được lập làm cơ sở triển khai xây dựng phát triển đô thị.
Khối lượng lớn đồ án quy hoạch được duyệtSau khi mở rộng địa giới hành chính, không gian tự nhiên và quy mô về đất đai của Hà Nội lớn hơn nhiều trước đây, thuận lợi cho quá trình đô thị hóa với quy mô lớn, hiện đại. Nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vào năm 2011 được xem là sự kiện lớn, đột phá trong định hướng mục tiêu xây dựng Thủ đô.
Với việc phát triển không gian đô thị theo quy hoạch, Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, đến tháng 9/2020 tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung đạt 100% khu vực cần lập (32/32 đồ án), quy hoạch phân khu đạt trên 80% (27/35 đồ án). Đã hoàn thành phê duyệt thêm 88 đồ án quy hoạch chi tiết với tổng diện tích khoảng 4.386,2ha; 80 hồ sơ chỉ giới các tuyến đường quan trọng; chấp thuận tổng cộng 752 tổng mặt bằng, phương án kiến trúc dự án đầu tư xây dựng với tổng diện tích đất 881,27ha. Tổng diện tích sàn tầng nổi khoảng 31,345 triệu mét vuông và 5,837 triệu mét vuông sàn tầng hầm (tăng thêm khoảng 1,60 triệu mét vuông do thực hiện theo Thông báo số 83-TB/TU của Thành ủy). TP cũng đã tổ chức nghiên cứu lập một số quy hoạch đặc thù như: Hệ thống không gian ngầm; Làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; Ga Hà Nội và phụ cận. Xây dựng và triển khai các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc quan trọng (khu phố cổ, phố cũ; quy chế quản lý công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử), thực hiện quy định về giấy phép quy hoạch; lập, thẩm định, phê duyệt cắm mốc giới, quản lý theo quy hoạch.Hà Nội cũng xác định phát triển không gian theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây) và các thị trấn được kết nối với nhau bằng hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm. Các đô thị vệ tinh khi phát triển theo định hướng quy hoạch sẽ tạo được quỹ đất xây dựng khoảng 35.200ha (chiếm 35% của toàn TP đến năm 2030) và dân số khoảng 1,3 - 1,4 triệu người (chiếm 16% dân số toàn TP đến năm 2030). Phó Trưởng phòng Quy hoạch - Kiến trúc II (Sở QH - KT Hà Nội) Lã Hồng Sơn cho hay, đến nay TP đã hoàn thành, phê duyệt 26/26 nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị tại 5 đô thị vệ tinh. Hiện đang triển khai tổ chức lập đồ án, lấy ý kiến Bộ Xây dựng đối với các đồ án quy hoạch phân khu tại 2 đô thị vệ tinh (Xuân Mai, Phú Xuyên).
Đặc biệt, đô thị vệ tinh lớn nhất là đô thị Hòa Lạc đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt quy hoạch chung đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 và đã được TP Hà Nội tổ chức công bố vào tháng 7/2020. Đây có thể coi là những tín hiệu lạc quan trong việc Hà Nội triển khai xây dựng các đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực gánh nặng về dân số, hạ tầng cho khu vực đô thị trung tâm.
Trên cơ sở các đồ án quy hoạch được duyệt, việc xây dựng, phát triển không gian đô thị đã đạt một số thành công bước đầu. Các khu đô thị mới hiện đại, văn minh tại các hướng mở rộng như: Văn Quán, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh... về phía Tây; Việt Hưng, Vinhomes Riverside về phía Đông; Linh Đàm, Garmuda về phía Nam; Ciputra ở phía Bắc... Cùng với các khu đô thị mới trong Vành đai 3 như Royal City, Times City, Trung Hòa - Nhân Chính… đã tạo diện mạo mới cho Thủ đô sau 10 năm phát triển. Hiện TP đang đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc tại huyện Đông Anh với những dự án mang tầm quốc gia và quốc tế như công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia, thành phố thông minh khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài...
Nâng cao chất lượng và quản lý quy hoạchTheo đánh giá của các chuyên gia quy hoạch đô thị, bên cạnh những điểm nổi bật đã làm được, công tác quản lý và thực hiện quy hoạch của Hà Nội cũng còn những hạn chế. Mật độ xây dựng, dân số nội đô ngày càng tăng cao; việc thực hiện các khu chức năng, đô thị vệ tinh chậm. Chưa xây dựng, phát triển Thủ đô thành một tổng thể đa trung tâm, có cấu trúc hoàn chỉnh hiện đại gắn với phát triển các đô thị vệ tinh. Công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng còn lỏng lẻo; chưa thu hút được dân cư ra khỏi vùng lõi đô thị; nhiều dự án chậm triển khai, nhất là các công trình trọng điểm như đường sắt đô thị, đường vành đai, trục hướng tâm…Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng cho rằng, Hà Nội là một trong hai đô thị lớn nhất của cả nước. Sức ép gia tăng dân số cơ học cùng việc quy hoạch, xây dựng chưa đầy đủ, manh mún, không toàn diện, thiếu tính ổn định của nhiều giai đoạn phát triển Thủ đô trước đây là điểm hạn chế lớn nhất phải khắc phục. Do đó, thời gian tới Hà Nội cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để đáp ứng tốc độ phát triển nhanh của TP.Định hướng giai đoạn tiếp theo, Hà Nội đã xác định đặc biệt chú trọng phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, ổn định, lâu dài và bền vững. TP sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo bước đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Tập trung đầu tư, hoàn thành cải tạo hệ thống giao thông khu vực nội đô; sớm hoàn thành các dự án tuyến đường vành đai; các trục hướng tâm, các trục kết nối; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, các công trình ngầm gắn với phát triển vận tải hành khách công cộng. Phát triển đồng bộ các khu đô thị mới theo tiêu chuẩn xanh - văn hiến - văn minh; đẩy nhanh triển khai xây dựng 5 đô thị vệ tinh; xử lý tốt hơn những vấn đề về nhà ở đô thị, cải tạo chung cư cũ, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự và an toàn giao thông, trật tự công cộng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị…
"Định hướng trong 5 năm tới phải thực hiện các quy hoạch phân khu để phủ kín quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong các quy hoạch này, đặc biệt chú trọng quy hoạch sông Hồng, sông Nhuệ và sông Đáy. Từ quy hoạch như vậy, TP Hà Nội mới có thể sử dụng được nguồn tài nguyên đất là các bãi ven sông để phát triển đô thị. Muốn có TP 2 bờ sông Hồng thì quy hoạch thoát lũ là quan trọng nhất, mang tính sống còn" - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. |