Để chủ động ngăn chặn các chủng virus gây bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm bằng biện pháp cắt đứt đường truyền lây của virus trên quần thể gia súc, gia cầm và trong môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường phòng chống dịch.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các địa phương triển khai việc phát động và tổ chức thực hiện “tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi” đợt 2 vào tháng 9/2014, trên toàn quốc.
Phun thuốc khử trùng tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật sống vào chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín). (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
|
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám nêu rõ, trong thời gian vừa qua, một số dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như bệnh lở mồm long móng, bệnh tai xanh lợn và dịch cúm gia cầm đã được các địa phương kiểm soát tốt; một số ổ dịch đã được chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn phát hiện, xử lý kịp thời nên không có hiện tượng lây lan trên diện rộng.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm xuất hiện và có thể lây lan thành dịch lớn.
Cụ thể, tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 2 trên toàn quốc, sẽ được thực hiện trong thời gian 1 tháng, bắt đầu từ ngày 1/9 đến hết ngày 30/9, tới đây.
Theo đó, đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm, các hộ gia đình cần tiến hành phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn đồng thời khơi thông cống rãnh, đảm bảo môi trường khô ráo sạch thoáng.
Cùng với đó, các địa phương chỉ đạo và tiến hành tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần một lần và vệ sinh tiêu độc khử trùng các phương tiện dụng cụ vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, thức ăn… trước khi ra, vào cơ sở.
Văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu rõ, đối với các cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm, các địa phương cần tiến hành phun tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng và thu gom vỏ trứng sau khi ấp nở để tiêu hủy.
Đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, các chủ cơ sở cần tiến hành tiêu độc khử trùng tại nơi nhốt các gia súc, gia cầm; phương tiện vận chuyển cũng cần được vệ sinh, khử trùng trước khi ra khỏi cơ sở giết mổ và sau mỗi ca sản xuất tại nơi giết mổ cũng cần được vệ sinh tiêu độc khử trùng đảm bảo an toàn vệ sinh.
Tại các chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống ở khu vực nông thôn các địa phương cần triển khai quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật, khu vực giết mổ và các vật dụng liên quan cuối mỗi buổi chợ. Mặt khác, các phương tiện, dụng cụ vận chuyển phải được phun khử trùng khi vào, ra khỏi chợ.
Đặc biệt, đối với động vật, sản phẩm động vật nhập lậu bị thu giữ, các đơn vị phải tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện dùng vận chuyển sản phẩm động vật nhập lậu bị bắt giữ. Ngoài ra, các cơ quan bắt giữ cần tiến hành quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực nhốt, động vật ngay sau mỗi đợt tiêu hủy, theo đó phân, rác thảu phải được xử lý chon hoặc đốt.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho biết, đối với những trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm sẽ tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và chuyên môn thú y.