Triển khai tiêm vaccine trên toàn TP Hà Nội: Phải vào cuộc ngay từ bây giờ

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử. Nhiều ý kiến cho rằng, ngay từ bây giờ, Hà Nội cần rà soát lại mọi khâu từ bảo quản, vận chuyển, nhân lực, trang thiết bị… tránh để xảy ra bị động, lúng túng khi triển khai.

Sẵn sàng từ khâu bảo quản

Trong mấy tuần qua, Hà Nội liên tục tổ chức các cuộc họp, rà soát, kiểm tra cũng như tập huấn để sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng. Trước mắt, có một số khó khăn cần tháo gỡ để công tác tiêm chủng được tổ chức thành công. Theo báo cáo của CDC Hà Nội, từ tháng 12/3 đến 5/7, CDC Hà Nội đã tiếp nhận tổng số 184.470 liều vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca và 10.800 liều vaccine Vero cell, với 5 đợt tiếp nhận. Trung tâm đã thực hiện cấp phát hết theo kế hoạch số vaccine trên đảm bảo an toàn, chất lượng và không để xảy ra sự cố nào về công tác bảo quản.

Ngày 12/7, Bộ Y tế có Quyết định phân bổ vaccine Pfizer cho các địa phương, trong đó Hà Nội là 38.610 liều. Điều kiện bảo quản và vận chuyển từng là trở ngại lớn cho vaccine Pfizer. Theo nhà sản xuất, vaccine này nên được bảo quản nhiệt độ siêu lạnh từ -80ºC đến - 60ºC và có thể để được đến 6 tháng ở nhiệt độ này. Tuy nhiên, tùy điều kiện, có thể quản ở 3 cách: Kho siêu lạnh, kho lạnh từ 2 - 8⁰C hoặc thùng chứa đặc biệt. Theo khuyến cáo của Pfizer, không thể tái cấp đông vaccine một khi đã rã đông và bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8⁰C.
 Tiêm vaccine tại bệnh viện Mắt Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Hiện tại, Việt Nam có 3 kho siêu lạnh đáp ứng đủ điều kiện bảo quản vaccine ở nhiệt độ -80ºC. Mỗi kho gồm nhiều tủ bảo quản, với sức chứa gần 100.000 liều mỗi tủ. Các kho siêu lạnh này đặt tại Hà Nội (7 tủ), Đà Nẵng (5 tủ) và TP Hồ Chí Minh (18 tủ).

Bộ Y tế lưu ý vaccine được bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8°C thì phải sử dụng hết trong vòng tối đa 31 ngày. Các đơn vị được phân bổ cần phối hợp chặt chẽ với Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực để lập kế hoạch tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng kịp thời, đảm bảo sử dụng hết số vaccine được nhận.

Đề cập đến việc bảo quản vaccine, bà Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, hiện CDC Hà Nội có 1 kho lạnh bảo quản vaccine tiêm chủng dịch vụ thể tích 40m3, 1 kho lạnh bảo quản vaccine tiêm chủng mở rộng thể tích 16m3, 6 tủ lạnh 3.000 và 3.000 AC. Tổng số liều vaccine bảo quản ở nhiệt độ 2 - 80C là 310.000 liều. Đối với hệ thống trang thiết bị bảo quản tại các Trung tâm Y tế và Trạm Y tế trên địa bàn Hà Nội đạt công suất 1.272.000 liều ở nhiệt độ 2 - 80C. Khó khăn, là hiện CDC Hà Nội mới chỉ trang bị hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản chủ yếu các vaccine từ 2 - 80C, có 6 tủ bảo quản được tối đa 60.000 liều ở điều kiện từ -15 đến - 250C và còn chưa trang bị bảo quản đối với vaccine yêu cầu nhiệt độ âm sâu.

Do đó, CDC Hà Nội sẽ chỉ có thể tiếp nhận và triển khai tiêm khi vaccine đã được rã đông và bảo quản ở nhiệt độ 2 - 80C trong khoảng thời gian quy định cho phép. Bên cạnh đó, 69 tủ ở các trạm y tế bị hỏng đang chờ bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa. Do đó, một số đơn vị phải thực hiện lĩnh vaccine theo buổi tiêm chủng thường xuyên từ Trung tâm Y tế.

Đề cập vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, Hà Nội cần phải trang bị thêm các tủ bảo quản vaccine, trang bị thêm các máy phát hệ thống điện để đảm bảo bảo quản khi vaccine về nhiều, đa chủng loại cùng 1 thời điểm. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý Hà Nội cần sẵn sàng, thận trọng ngay từ khâu bảo quản để đảm bảo cho công tác tiêm chủng.

Khi vaccine về, tiêm ngay trên diện rộng

Đề cập đến việc triển khai kế hoạch tiêm chủng tại Hà Nội, lãnh đạo một trung tâm y tế ở Hà Nội cho rằng, có 3 vấn đề cần quan tâm.

Thứ nhất, kế hoạch phải chi tiết, rõ ràng, khoa học và đảm bảo tính khả thi. Thứ 2 là nhân lực, theo kế hoạch, với 1.200 dây chuyền tiêm cho 200.000 mũi/ngày hoàn toàn không đơn giản. Nếu bố trí 3 cán bộ y tế cho 1 dây chuyền thì rất khó vận hành, mà phải đảm bảo 4 người. Việc bố trí nhân lực cũng phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế cần phải tính kỹ, từ cái bơm kim tiêm, bông băng, gạc, cồn, panh tiêm… những thứ tưởng như đơn giản nhưng lại vô cùng thiết yếu. Thứ 3, đó là việc tập huấn phải kỹ càng, có thể giao cho quận, huyện tập huấn để đảm bảo tiến độ. Nếu mọi thứ chuẩn bị khoa học, bài bản, khi vaccine về, có thể triển khai ngay trên diện rộng.

Cũng theo vị cán bộ này, tại một số địa phương trên cả nước, đã xảy ra tình trạng “vỡ trận” khi triển khai tiêm vaccine do khá bị động, lúng túng ban đầu. Hà Nội cần coi đó là bài học để chuẩn bị mọi thứ chu đáo, sẵn sàng. Việc này, từng quận, huyện cần phải phân công cụ thể, lên lịch tiêm phù hợp, phân loại đối tượng tiêm, nhắn tin để họ đến tiêm theo lịch, tránh tụ tập đông người, không đảm bảo 5K. Ngoài ra, khâu tuyên truyền cũng phải đẩy mạnh hơn, để người dân khi đi tiêm tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch, tự giác thực hiện thông điệp “5K”; thực hiện văn hóa xếp hàng, không túm tụm trò chuyện…

Góp ý cho Hà Nội triển khai tiêm chủng, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, khi triển khai chiến dịch tiêm chủng, Hà Nội cần phải chuẩn bị những yếu tố liên quan đến vấn đề chống sốc, phản ứng phụ. Bên cạnh đó, đảm bảo khám sàng lọc, tư vấn cho những người nguy cơ cao. Trong việc sàng lọc các đối tượng tiêm, nên ưu tiên tiêm cho người cao tuổi, người bệnh nền trước, bởi nếu họ nhiễm bệnh, tình trạng sẽ rất nặng, gây quá tải cho hệ thống điều trị.

Liên quan đến những vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018, để tiêm được 200.000 mũi tiêm/ngày, thành phố cần ít nhất 1.000 dây chuyền tiêm. Trong kế hoạch, Hà Nội chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm, hiện tại sẵn có và bố trí trước mắt được 704 dây chuyền tiêm; nên cần bổ sung 496 dây chuyền tiêm mới. Hiện ngành Y tế đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế, con người để thiết lập đủ số dây chuyền tiêm còn lại. Ngoài ra, Hà Nội cũng huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để xử lý các tình huống, sự cố trong tiêm chủng nếu có. Mọi công tác tiếp tục được chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, khi vaccine về, Hà Nội có thể triển khai tiêm ngay trên diện rộng.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Tạ Mạnh Hùng đề nghị CDC Hà Nội cần thống kê thực trạng, điều kiện đáp ứng của đơn vị, từ đó gửi đề xuất lên cấp trên để thực hiện phân bổ vaccine phù hợp; đồng thời, phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Quân khu Thủ đô lên phương án tiếp nhận tối đa lượng vaccine, phương án vận chuyển.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, có thể vaccine phòng Covid-19 về nhiều và sớm hơn dự kiến, Hà Nội cần lên phương án cụ thể, chi tiết để tránh bị động, chuẩn bị phương án vận chuyển, bảo quản vaccine đảm bảo yêu cầu. Việc chuẩn bị cũng như triển khai thực hiện tiêm vaccine của Hà Nội đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử.
Ngày 21/7, UBND TP Hà Nội ban hành phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội với 13 nhóm đối tượng ưu tiên theo quy định. Thành phố sẽ triển khai chiến dịch ngay khi tiếp nhận vaccine theo các đợt phân bổ của Bộ Y tế và nguồn cung ứng (nhập khẩu và sản xuất trong nước) của TP Hà Nội. Cụ thể, khi nguồn vaccine chưa đủ thì phân bổ số lượng cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự ưu tiên có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung; khi có đủ vaccine, sẽ triển khai đồng loạt trên toàn thành phố.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần