Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Triển khai xe đạp công cộng ở TP Hồ Chí Minh: Muốn khả thi cần có lộ trình

Bài, ảnh: Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù có nhiều ưu điểm như thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, tính lưu động cao... song kế hoạch triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại trung tâm TP Hồ Chí Minh vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Cho thuê xe đạp công cộng (Mokike) là giải pháp mà Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đưa ra trong kế hoạch giảm ô nhiễm môi trường trong hoạt động GTVT trên địa bàn TP. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, vẫn còn nhiều nghi ngờ sự thành công của loại hình xe đạp công cộng này.
Xe đạp công cộng được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc và kiềm chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Anh Nguyễn Thanh Huy, nhân viên văn phòng trú tại số 590 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh đánh giá, phát triển xe đạp sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan thân thiện, người dân tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, giảm ùn tắc giao thông là điều không khả thi, trái lại dễ tạo ra hiệu ứng ngược: “Diện tích chiếm dụng lòng đường của xe đạp tương đương xe máy, tốc độ chậm hơn nên mật độ phương tiện sẽ lớn hơn, nguy cơ ùn tắc càng cao” - anh Huy quan ngại.

Đồng quan điểm, chị Hồ Thị Kim Dung, công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh) dẫn chứng: “Trước đây, vào giờ tan tầm, khu chế xuất Tân Thuận luôn trong tình trạng kẹt cứng vì công nhân đi xe đạp”. Trong khi đó, Phạm Kim Thư (sinh viên trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) cho biết, cô sử dụng phương tiện công cộng mỗi ngày nhưng không mặn mà với xe đạp công cộng. “Em vẫn sẽ đi lại bằng xe buýt vì từ nhà em đến trường không có điểm sửa xe đạp nào, nếu xe hư chỉ có cách dắt bộ thôi” - Phạm Kim Thư nói.

Tỏ ra hoài nghi, anh Võ Văn Vĩnh (ngụ Phạm Văn Chí, quận 6, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đề án xe đạp công cộng chưa phù hợp với thời điểm hiện tại. Thực tế đường sá trong lõi trung tâm TP Hồ Chí Minh phổ biến là đường nhỏ, nếu muốn quy hoạch thêm làn xe đạp cần thời gian dài và vô cùng tốn kém. Còn nếu để xe đạp đi chung phần đường với xe máy và ô tô thì nguy cơ tai nạn và ùn tắc sẽ tăng cao. “Thời tiết ở TP Hồ Chí Minh nắng nóng quanh năm, người dân sẽ rất ngại khi phải di chuyển bằng xe đạp. Tôi nghĩ, TP cần phải tính toán kỹ, tránh tình trạng triển khai, lắp đặt hàng trăm trạm xe đạp xong rồi đắp chiếu bỏ đó " - anh Vĩnh góp ý.

Đánh giá kế hoạch thí điểm xe đạp công cộng ở trung tâm TP Hồ Chí Minh là cần thiết, có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển, phù hợp với chủ trương của TP về hạn chế xe lưu thông vào trung tâm, tuy nhiên, thạc sĩ xã hội học Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và quan hệ DN, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để thành công cần có sự tính toán kỹ và lộ trình rõ ràng. “Để có được số lượng người đi xe đạp như hiện nay, các nhà hoạch định giao thông ở Pháp, Hà Lan hay Trung Quốc, Singapore…. đều đã phải mất nhiều chục năm kiên trì với những điều chỉnh để phù hợp thực tế” - thạc sĩ Trần Nam nói.

Nhiều chuyên gia giao thông cũng cho rằng, người dân đô thị sẽ đi xe đạp khi có không gian an toàn và thuận tiện. Do vậy, cần một lộ trình để tránh đi lại vết xe đổ, gây thêm sự hỗn loạn trên đường phố và thiệt hại cho các nhà đầu tư. Mặc dù chưa thể thay thế xe máy nhưng xe đạp có thể được xem là phương tiện nền tảng hữu ích để thúc đẩy phát triển giao thông xanh trong tương lai.