Triển vọng ra đời mô hình hợp tác Hàn - Nhật 2.0
Kinhtedothi - Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se hôm nay (22/6) kết thúc chuyến thăm Nhật Bản 2 ngày nhằm "hâm nóng" mối quan hệ đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây đúng 50 năm.
Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nhật Bản và người đồng cấp Hàn Quốc được kỳ vọng giúp hai nước tái khởi động quan hệ hợp tác chiến lược.
|
Thật ra, trong suốt 5 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ Nhật – Hàn đã trải qua quá nhiều giai đoạn sóng gió và thời kỳ nóng – lạnh bất thường. Tuy nhiên, có lẽ chưa bao giờ mối quan hệ vốn mang tính chiến lược đối với cả Seoul lẫn Tokyo và toàn khu vực lại bị đẩy xuống mức thấp như hiện nay. GS Kimiya Tadashi (Đại học Tokyo) cho rằng, các vấn đề lịch sử tất nhiên phải chiếm vai trò và vị trí quan trọng trong đối sách của một quốc gia nhưng mối quan hệ Nhật - Hàn hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào lịch sử. Tình thế này, theo GS Kan Kimura (Đại học Kobe) là đã đẩy Seoul và Tokyo phải đối mặt với một lựa chọn không mong muốn là hoặc thành công hoặc thất bại chứ không có sự linh hoạt, hài hòa để vừa giải quyết được vấn đề lịch sử, vừa đảm bảo lợi ích quốc gia.
Nguyên nhân của tình trạng này được nhìn nhận là do lãnh đạo hai bên chưa dành nhiều ưu tiên trong chính sách ngoại giao song phương, bất chấp việc các hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại và giao lưu văn hóa vẫn được thực hiện thường xuyên. Câu chuyện Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye chưa từng tiếp xúc trong một cuộc gặp song phương cho thấy cách tiếp cận có phần cứng nhắc và không hiệu quả. Điều này khiến chính quyền Seoul và Tokyo nhiều lần bỏ qua cơ hội để tái định hình tương lai của cả hai nước lẫn khu vực, cũng như không khai thác được lợi thế của khuôn khổ hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn, Trung - Nhật - Hàn. Nếu lãnh đạo hai nước thực hiện chiến lược khôn ngoan và thực tế là vừa bàn thảo các vấn đề còn tồn tại trong lịch sử vừa tăng hợp tác về kinh tế, an ninh sẽ góp phần tăng sức mạnh của cả Seoul lẫn Tokyo và thúc đẩy sự ổn định, thịnh vượng trong khu vực. Điều này cũng đáp ứng yêu cầu của cử tri hai nước, những người đã nhiều lần kêu gọi cải thiện quan hệ song phương. Kết quả khảo sát mới công bố của một tờ nhật báo Hàn Quốc cho thấy, 87% số người Hàn Quốc được hỏi và 64% số người Nhật Bản được hỏi hy vọng hai nước cải thiện quan hệ song phương.
Trong lúc chính giới và các tổ chức dân sự của cả Hàn Quốc và Nhật Bản tích cực chuẩn bị nhiều hoạt động đánh dấu chặng đường 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhiều người cho rằng, thỏa thuận ngoại giao được hai bên thiết lập nửa thế kỷ trước đã trở nên lỗi thời. Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, sự lớn mạnh của Trung Quốc và khoảng cách kinh tế giữa Nhật – Hàn được thu hẹp nhanh chóng khiến sự ra đời của một mô hình hợp tác mới trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. GS Cho Sei-young (Đại học Dongseo, Busan, Hàn Quốc) nhận định đã đến thời điểm để hình thành "Mô hình hợp tác Hàn – Nhật 2.0". Tất nhiên sự ra đời của mô hình này phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của các cuộc trao đổi các đoàn cấp cao cũng như thiện chí, sự chân thành trong cách tiếp cận những vấn đề lịch sử tồn tại của hai bên.
Trong một bước đi nhằm thể hiện thiện chí cải thiện quan hệ song phương, Tổng thống Park Geun-hye sẽ tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao do Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc tổ chức tại một khách sạn ở Seoul vào chiều nay (22/6). Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tham dự một buổi lễ tương tự được tổ chức bởi Đại sứ quán Hàn Quốc tại Tokyo. Trước đó, cả hai bên dự định chỉ gửi thông điệp chúc mừng và được đọc bởi những đại diện ngoại giao cấp cao của Chính phủ. |