Triều Tiên nói gì về đề nghị tuyên bố chấm dứt chiến tranh của Hàn Quốc?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae Song cho biết, việc Hàn Quốc kêu gọi tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 là quá sớm.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) ngày 24/9 đưa tin nước này đã bác đề nghị của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
 Hình ảnh lá cờ Triều Tiên trên đỉnh tháp thông tin ở Gijungdong, Triều Tiên, gần làng đình chiến Panmunjom. Ảnh: Reuters
"Sẽ không có gì thay đổi chừng nào tình hình ở bán đảo Triều Tiên không thay đổi, hay như chính sách thù địch của Mỹ, dù có tuyên bố chấm dứt chiến tranh hàng trăm lần”, KCNA dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae Song.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae- in đã lặp lại lời kêu gọi chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) hôm 21/9. Tổng thống Moon đề xuất rằng hai miền Triều Tiên, Mỹ, và Trung Quốc sẽ thực hiện lời tuyên bố tương tự.
Sau đó, trong bài phát biểu khi đến thăm căn cứ quân sự Mỹ hôm 22/9, Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. “Tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, nếu đạt được, sẽ là "niềm hy vọng mới cho tất cả những người mong muốn hòa bình trên toàn Bán đảo Triều Tiên", ông Moon nói trong lễ bàn giao di vật tại Căn cứ Không quân Hickam ở Hawaii.
Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, vì cuộc xung đột 1950-1953 kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.
Ngày 21/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu ở Đại hội đồng LHQ rằng Mỹ muốn "ngoại giao bền vững" để giải quyết cuộc khủng hoảng xung quanh các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Triều Tiên hiện chưa chấp nhận đề nghị của Mỹ về các cuộc đối thoại. Người đứng đầu cơ quan giám sát nguyên tử của LHQ trong tuần này nói rằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.
Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều phóng thử tên lửa đạn đạo vào tuần trước. Đây là vụ thử tên lửa mới nhất trong cuộc chạy đua vũ trang với vũ khí ngày càng tinh vi của cả hai quốc gia, trong bối cảnh các nỗ lực kêu gọi đàm phán để xoa dịu căng thẳng không có kết quả.
Giới quan sát nhận định rằng các cuộc thử nghiệm vũ khí mới nhất của Triều Tiên là một phần trong mục tiêu phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa, nhằm đối phó với những nguy cơ an ninh  từ Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, đây cũng có thể xem là đòn bẩy để Triều Tiên tạo ra các lợi thế trước khi quay trở lại những cuộc đàm phán trong tương lai với lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc. 
Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều rơi vào thế bế tắc từ năm 2019 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, dù Washington chưa tỏ ý sẵn sàng nhượng bộ, song các chuyên gia cho rằng cách tiếp cận có thể thay đổi khi hai bên trở lại đối thoại. Trong chuyến công tác đến Seoul hồi tháng 8 vừa qua, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim đã khẳng định Mỹ không có ý định thù địch với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ gần gũi giữa Washington và Seoul, nhằm giải quyết các vấn đề Triều Tiên thông qua kênh ngoại giao.
Bình Nhưỡng được cho là cũng đang gia tăng hoạt động quân sự trong những tuần gần đây. Tháng trước, Triều Tiên cảnh báo về một “cuộc khủng hoảng an ninh lớn” nhằm phản đối cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn vào mùa hè. Triều Tiên cũng có dấu hiệu khởi động lại lò phản ứng hạt nhân sản xuất plutonium tại khu phức hợp Yongbyon của nước này./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần