Triều Tiên tuyên bố lý do phóng thử các hệ thống tên lửa mới

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) đưa tin Bình Nhưỡng vừa thử nghiệm các hệ thống tên lửa mới nhằm nâng cao năng lực đáp trả các mối đe dọa tiềm tàng đối với nước này.

"Hệ thống tên lửa hành trình mới đóng vai trò như phương tiện phản công hiệu quả, có khả năng giáng đòn mạnh nhất vào các lực lượng đe dọa Triều Tiên", hãng KCNA ngày 16/9 dẫn lời ông Pak Jong Chon, Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên. Ông Pak cũng là người giám sát vụ thử nghiệm tên lửa mới đây.
 KCNA công bố hình ảnh Triều Tiên phóng thử tên lửa hôm 15/9. Ảnh: KCNA
Theo KCNA, các tên lửa phóng từ Triều Tiên hôm thứ Tư đã bay khoảng 800 km trước khi tấn công trúng mục tiêu ở vùng biển ngoài khơi phía đông Triều Tiên.
Theo  ông Pak Jong Chon, quân đội Triều Tiên nên chuẩn bị các kế hoạch chiến thuật để triển khai hệ thống tên lửa này ở những vùng khác nhau của đất nước.
Ông Pak cũng lưu ý thêm rằng hệ thống tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phóng thử ngày 15/9 có thể tạo tiền đề cho việc phát triển một hệ thống có khả năng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang vũ khí hạt nhân lớn hơn. Theo ông Pak, một số hệ thống tên lửa mới mà Triều Tiên trưng bày có thể chỉ nhằm "trình diễn công nghệ" phát triển vũ khí.
Ngày 15/9, các nhà chức trách Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết, họ đã phát hiện vụ phóng hai tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên, chỉ vài ngày sau khi nước này thử tên lửa hành trình mà các nhà phân tích cho rằng có khả năng chứa đầu đạn hạt nhân.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, hai tên lửa của Triều Tiên rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này và không có tàu hoặc máy bay nào báo cáo thiệt hại do tên lửa.
Vụ phóng 2 tên lửa đạn đạo của Triều Tiên diễn ra cùng ngày Hàn Quốc thử hệ thống tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, theo Reuters.
Hàn Quốc và Triều Tiên đang chạy đua vũ trang gay gắt, khi cả hai bên đều tiết lộ nhiều tên lửa và vũ khí tiên tiến hơn.
Tuy nhiên, các vụ thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bị quốc tế lên án. Mỹ cho rằng Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng.
Sau khi nhận được thông tin về vụ việc trên, người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric nói rằng tổ chức này hết sức lo ngại về các vụ phóng của Triều Tiên. Các nguồn tin ngoại giao tiết lộ Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn để bàn về những diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên. Theo các nguồn tin trên, cuộc họp được tổ chức theo yêu cầu của Pháp và Estonia.
Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra đúng thời điểm Ngoại trưởng Hàn Quốc và Trung Quốc tiến hành hội đàm tại Seoul.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ tên lửa hành trình của Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh rằng tất cả các bên liên quan cần nỗ lực để thúc đẩy hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Ankit Panda - một thành viên cấp cao tại Carnegie Endowment for International Peace có trụ sở tại Mỹ, nhận định rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên chứng tỏ khả năng phát triển tuyệt đối của Bình Nhưỡng về hệ thống tên lửa và bệ phóng.
Theo giới quan sát, các cuộc thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên là một phần trong mục tiêu phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng nhằm đối phó với những nguy cơ an ninh  từ Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, đây cũng có thể xem là đòn bẩy để Triều Tiên tạo ra các lợi thế trước khi quay trở lại những cuộc đàm phán trong tương lai với lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc. 
Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều rơi vào thế bế tắc từ năm 2019 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, dù Washington chưa tỏ ý sẵn sàng nhượng bộ, song các chuyên gia cho rằng cách tiếp cận có thể thay đổi khi hai bên trở lại đối thoại. Trong chuyến công tác đến Seoul hồi tháng 8 vừa qua, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim đã khẳng định Mỹ không có ý định thù địch với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ gần gũi giữa Washington và Seoul, nhằm giải quyết các vấn đề Triều Tiên thông qua kênh ngoại giao, bao gồm cả trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo.
Bình Nhưỡng được cho là cũng đang gia tăng hoạt động quân sự trong những tuần gần đây. Tháng trước, Triều Tiên cảnh báo về một “cuộc khủng hoảng an ninh lớn” nhằm phản đối cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn vào mùa hè. Triều Tiên cũng có dấu hiệu khởi động lại lò phản ứng hạt nhân sản xuất plutonium tại khu phức hợp Yongbyon của nước này./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần