Trình Chính phủ đề xuất mới về tiền lương đóng bảo hiểm xã hội

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ LĐTB&XH đề xuất đóng bảo hiểm xã hội của khu vực DN ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động. Tiền đóng bảo hiểm xã hội cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất.

Đóng bảo hiểm xã hội bằng khoảng 70% thu nhập

Bộ LĐTB&XH đã tiếp nhận 158 văn bản góp ý từ các Ban, Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, tập đoàn, công ty, hiệp hội DN đối với hồ sơ Dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến và căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng Tờ trình Chính phủ. Trong đó đề xuất sửa đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực DN ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động. Qua đó, để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.

Bộ LĐTB&XH đề xuất đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập của người lao động. 
Bộ LĐTB&XH đề xuất đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập của người lao động. 

Theo Bộ LĐTB&XH, thực tiễn hiện nay tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2022 của người lao động là 5,73 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 75% thu nhập bình quân của người lao động làm công, hưởng lương.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố; cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Bộ LĐTB&XH cho rằng, đây là cơ sở quy định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương…). Đặc biệt, đây cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng quy định cụ thể tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và giữ ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.

Ủng hộ đóng bảo hiểm xã hội mức cao, đảm bảo an sinh

Trao đổi về đề xuất đóng bảo hiểm xã hội của khu vực DN ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động, TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho rằng: Việc quy định mức đóng bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc dựa vào tiền lương và các khoản thu nhập có tính chất lương hàng tháng mà người sử dụng lao động trả cho người lao động, là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tiền lương bình quân trả cho người lao động nói chung còn thấp, cao hơn không đáng kể so với mức lương tối thiểu vùng.

Doanh nghiệp và người lao động đồng tình với đề xuất đóng bảo hiểm xã hội bằng 70% tiền lương và các khoản thu nhập, để sau này có lương hưu cao. Ảnh minh họa: Trần Oanh.
Doanh nghiệp và người lao động đồng tình với đề xuất đóng bảo hiểm xã hội bằng 70% tiền lương và các khoản thu nhập, để sau này có lương hưu cao. Ảnh minh họa: Trần Oanh.

“Phương án tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động phải vừa bảo đảm không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hiện tại và tiền lương hưu sau khi về hưu không quá thấp. Phương án Bộ LĐTBXH để xuất là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cần có điều khoản quy định giám sát việc trả lương đúng theo luật định cho người lao động, tránh lách luật!” – ông Hữu Dũng nói.

Với quan điểm coi người lao động là trung tâm, tạo ra hiệu quả kinh doanh nên nhiều DN cũng đồng tình với đề xuất đóng bảo hiểm xã hội bằng 70% thu nhập. Bà Nguyễn Thị Minh Phượng – Giám đốc nhân sự Công ty TNHH nhân lực hàng không Tasseco cho biết: Trước đây, người lao động đóng bảo hiểm xã hội chủ yếu theo mức lương cơ bản, khi nghỉ hưu được nhận lương hưu rất thấp không đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất mức đóng 70% thu nhập đảm bảo được an sinh xã hội. Nếu như chúng tôi có được nguồn lao động tốt thì việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay bất kỳ khoản phúc lợi nào thì chúng tôi đồng thuận hết.

Ông Nguyễn Việt Hùng là chuyên viên Tổng công ty May 10 chuyên đi tuyển dụng lao động cũng ủng hộ đề xuất đóng bảo hiểm xã hội bằng 70% thu nhập. Theo ông Hùng, Tổng công ty May 10 có truyền thống 77 năm luôn quan tâm tới người lao động, vì thế DN luôn suy nghĩ tới những điều có lợi cho người lao động để cuộc sống của họ tốt lên.

Nhiều người lao động cũng đồng tình đề xuất đóng bảo hiểm xã hội bằng 70% tiền lương và các khoản thu nhập để sau này có lương hưu cao. Tuy nhiên, điều họ quan tâm là trong bối cảnh trong nước và thế giới đang đứng trước nhiều khó khăn, việc tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội sẽ tạo ra sức ép và gánh nặng lên cả DN và người lao động. Do đó, DN và người lao động rất cần có chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước để họ có đơn hàng, việc làm, thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống.

 

Trước đó, tháng 3/2023, Bộ LĐTB&XH xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra 2 phương án tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, để xin ý kiến:

Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật.