Hỗ trợ kịp thời
Mới đây, trên cơ sở rà soát và chọn lọc các hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, QKN TP vừa giải ngân 5,8 tỷ đồng cho 19 hộ trên địa bàn huyện Quốc Oai. Các phương án vay vốn phát triển sản xuất chủ yếu là chăn nuôi gà đẻ trứng, vịt đẻ trứng thương phẩm. Phương án được vay thấp nhất là 150 triệu đồng, cao nhất là 500 triệu đồng. Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quốc Oai Kiều Minh Khuê cho biết, tính đến hết tháng 10/2019, QKN TP đã giải ngân 16,1 tỷ đồng cho 57 hộ vay vốn. Hầu hết các phương án sản xuất đều tập trung tại các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện như: Cấn Hữu, Hòa Thạch, Đông Yên, Nghĩa Hương.
10 tháng năm 2019, Quỹ Khuyến nông TP đã giải ngân cho 37 phương án vay vốn sản xuất với số tiền hơn 13,4 tỷ đồng; 11 hồ sơ phương án vay vốn với số tiền 4,8 tỷ đồng đang hoàn thiện thủ tục giải ngân; 5 phương án đề xuất vay 2 tỷ đồng đang được Hội đồng thẩm định cấp TP xem xét, phê duyệt. |
Hộ anh Nguyễn Văn Thanh, ở thôn Từ Châu, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai là điển hình sử dụng nguồn vốn vay QKN TP hiệu quả. Với mô hình nuôi cá thương phẩm kết hợp trồng cây ăn quả, gia đình anh Thanh đang thu lãi trên 500 triệu đồng mỗi năm. Anh Thanh chia sẻ, năm 2017, với nguồn vốn vay 350 triệu đồng từ QKN TP, anh đã phát triển trang trại theo hướng hiện đại, cơ giới hóa các khâu như trang bị máy cho cá ăn, máy kéo lưới, máy chuyển cá. Năm 2019, sau khi đáo hạn, anh Thanh tiếp tục được QKN TP cho vay 400 triệu đồng để nâng cao hiệu quả kinh tế từ phát triển trang trại.
Hàng năm, QKN TP dành 15 – 20% tổng nguồn vốn giải ngân trong năm để ưu tiên hỗ trợ cho vay những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch của địa phương. Trước khi duyệt cho vay vốn, các phương án sản xuất, kinh doanh của các hộ dân luôn được thẩm định kỹ lưỡng. Với những hộ vay từ 100 triệu đồng trở lên phải được Hội đồng thẩm định cấp TP gồm đại diện Sở NN&PTNT, Sở Tài chính họp bàn để quyết định mức cho vay cụ thể.
Cần được gỡ khó
Nhằm hỗ trợ tối đa cho nông dân và nâng cao hiệu quả đồng vốn vay, Tiểu ban quản lý QKN các huyện, thị xã kiểm tra sát sao hoạt động sản xuất, sử dụng vốn vay QKN của các hộ vay vốn trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn trong sản xuất, sử dụng vốn vay của các hộ. Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở có các biện pháp đôn đốc, hướng dẫn các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Đơn cử, trong năm 2019 có 6 hộ vay vốn QKN 1,4 tỷ đồng tại các huyện: Thường Tín, Chương Mỹ, Thạch Thất bị thiệt hại do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các Tiểu ban quản lý đã kịp thời tư vấn cho các hộ điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp để sớm khôi phục sản xuất.
Tuy nhiên, thực tế quá trình vận hành, quản lý, sử dụng QKN TP cũng đang tồn tại những hạn chế nhất định. Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, do quy trình xử lý hồ sơ vay vốn phải thực hiện nhiều bước thủ tục, thời gian hoàn thiện hồ sơ thế chấp tài sản của một số hộ dân kéo dài nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Trong khi đó, một số Trạm Khuyến nông chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu về QKN; nghiệp vụ tín dụng của một số cán bộ chuyên quản QKN còn hạn chế nên ảnh hưởng đến kết quả giải ngân, thu hồi vốn.
Đáng nói, trong tình hình mới, đối tượng có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất rất đa dạng, nhiều ngành nghề sử dụng lao động nông thôn chưa có điều kiện để vay vốn QKN do không nằm trong nhóm đối tượng được vay theo quy định. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa hoàn thiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân sau dồn điền đổi thửa nên các hộ gặp vướng mắc trong khâu thế chấp tài sản để vay vốn. Đây là những khó khăn đối với hoạt động của QKN đang cần sớm được tháo gỡ.