Trò nói có, trường nói không?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tốt nghiệp với số điểm loại Khá, H. ngay lập tức trở về quê để xin việc làm với rất nhiều hy vọng.

KTĐT - Tốt nghiệp với số điểm loại Khá, H. ngay lập tức trở về quê để xin việc làm với rất nhiều hy vọng. Nhưng chỉ ngay ở vòng xét tuyển, hồ sơ của em đã gặp trục trặc.

Từ nhiều tháng nay, Đào Thị K. H, sinh viên khoa tiếng Anh K12 (Viện Đại học Mở Hà Nội) đã phải chịu cảnh “ăn không ngồi rồi”. Mặc dù đã tốt nghiệp vào giữa tháng 7 vừa qua nhưng H. vẫn chưa xin được việc do bên tuyển dụng yêu cầu phải có chứng chỉ sư phạm.

Điều đáng nói, H. lại là một sinh viên chuyên ngành giảng dạy Tiếng Anh của Viện Đại học Mở Hà Nội.

“Thất nghiệp vì thiếu chứng chỉ sư phạm?”

Tốt nghiệp với số điểm loại Khá, H. ngay lập tức trở về quê để xin việc làm với rất nhiều hy vọng. Nhưng chỉ ngay ở vòng xét tuyển, hồ sơ của em đã gặp trục trặc.

“Bộ hồ sơ bọn em nộp bao gồm bảng điểm, giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học, giấy khám sức khỏe. Nhưng, các nơi đều từ chối”, H. ngậm ngùi cho biết.

Lý do chính được các nhà tuyển dụng đưa ra là: Chuyên ngành của H. là giảng dạy Tiếng Anh, do đó nhất thiết phải có một chứng chỉ sư phạm mới đủ điều kiện đứng lớp. Đến lúc này, H. mới ngã ngửa vì đã “quên” không hỏi về chứng chỉ sư phạm sau khi tốt nghiệp.

Ngay lập tức H. liên lạc lại với các bạn học cùng khoá K12 thì được biết khá nhiều bạn cũng rơi vào hoàn cảnh đi chẳng được, ở cũng chẳng xong như mình.

“Tính đến nay đã hơn 3 tháng, nhưng em vẫn chưa thể xin được việc chỉ vì không có tấm chứng chỉ này”, H. nói.

Trong khi đó, theo H., cuối năm thứ 3, khoa Tiếng Anh đã cho họp toàn thể sinh viên khóa K12 và thông báo về việc phân chia thành 2 chuyên ngành biên dịch và giảng dạy. “Đối với chuyên ngành giảng dạy, thầy trưởng khoa có nói với chúng em là khi ra trường sẽ được cấp chứng chỉ sư phạm để tiện cho công việc sau này”, H. cho biết.

Thực tế, trong bảng điểm của các sinh viên chuyên ngành giảng dạy Tiếng Anh cũng đã có đầy đủ các môn học nghiệp vụ sư phạm như: Tâm lý sư phạm, giáo dục học, giáo dục học pháp tiếng Anh cũng như hai kỳ thực tập sư phạm. Chính điều này càng làm tăng thêm sự băn khoăn của sinh viên khi không được nhận chứng chỉ cho các môn học này.

Để làm rõ, H. đã gọi điện lại cho Khoa Tiếng Anh (Viện Đại học Mở Hà Nội) để hỏi, nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thực sự thỏa đáng.

H kể: “Khi em gọi cho cô L. phụ trách sinh viên thì cô lại nhắn gọi cho thầy trưởng khoa. Nhưng khi gọi cho thầy thì em lại hướng dẫn gọi vào số máy của phòng đào tạo. Liên lạc với phòng đào tạo thì không ai nhấc máy”.

Cùng chung bức xúc, cô Thanh, mẹ H. khẳng định chính bản thân cô cũng đã nhiều lần gọi để hỏi khoa cũng như trường nhưng đến tận hôm nay cô vẫn chưa nhận được hồi âm.

Điều đáng nói hơn là, H. không phải là trường hợp duy nhất lao đao vì thiếu chứng chỉ. Toàn bộ hơn 70 sinh viên chuyên ngành giảng dạy Tiếng Anh khoá K12 cũng đang đứng ngồi không yên vì chứng chỉ.

Khoa chỉ có thể cấp giấy chứng nhận?

Để làm rõ hơn thắc mắc của rất nhiều sinh viên đang “bơ vơ” sau khi tốt nghiệp, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Phan Văn Quế, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng khoa Ngoại Ngữ Viện Đại học Mở Hà Nội.

Theo ông Quế, khúc mắc của số sinh viên nói trên tựu chung nằm ở hai vấn đề lớn. Một là sinh viên chưa hiểu rõ về sự phân chia cũng như mục đích các ngành học. Hai là các nhà tuyển dụng, nhất là ở các địa phương ngoài Hà Nội đã quá nhiêu khê.

“K12 là khóa đầu tiên chúng tôi áp dụng hình thức học nghiệp vụ sư phạm chính khóa. Trước đây, muốn có những kiến thức này, sinh viên phải học thêm ở bên ngoài. Việc đưa vào chương trình chính khóa những môn thuộc về kỹ năng sư phạm sẽ giúp cho các em tiết kiệm được cả tiền bạc và thời gian”, ông Quế giải thích rõ hơn.

Với thắc mắc của nhiều sinh viên về việc “chậm” cấp chứng chỉ, ông Quế cho rằng: Khoa không hề hứa sẽ cấp chứng chỉ cho sư phạm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Thực tế, đầu vào của lớp Tiếng Anh K12 không phải là sư phạm, mà chỉ là ngoại ngữ. Đến đầu năm thứ 4, khoa có chủ trương phân làm hai chuyên ngành: Biên dịch và Giảng dạy. Sinh viên có quyền tự nguyện đăng ký theo ý mình. Việc phân chia chuyên ngành chủ yếu mang tính hướng nghiệp và đào tạo kỹ năng sư phạm cho sinh viên.

Bên cạnh đó, lý do quan trọng nhất ông Quế đưa ra là: Nghiệp vụ sư phạm của các sinh viên K12 đều đã được thể hiện thông qua… bảng điểm. Việc họ chưa xin được việc là bởi nhiều nơi tuyển dụng không hiểu nên gây khó khăn cho sinh viên.

“Đối với trường hợp này, chúng tôi sẵn sàng cấp cho các em có nhu cầu giấy chứng nhận của khoa về việc các em đã trải qua các môn học nghiệp vụ sư phạm. Kèm theo đó, các em cũng nhận được một bảng điểm khu biệt về các môn học này”, ông Quế khẳng định.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Quế cũng khẳng định K12 là khóa đầu tiên áp dụng hình thức học nghiệp vụ sư phạm chính khóa. Trên cơ sở này, Viện đại học Mở Hà Nội sẽ trình Bộ giáo dục và đào tạo để xin được đào tạo chuyên ngành Giảng dạy. Tuy nhiên, về vấn đề này, một chuyên gia của Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục lại khẳng định, thử nghiệm như vậy sẽ gây ảnh hưởng tới cả một thế hệ sinh viên.

Xem ra câu chuyện về tấm chứng chỉ sư phạm còn nhiều điều đáng bàn./.