“Tròn mắt” ngắm những tuyệt tác của nghệ nhân Tô Thanh Sơn

Bài và ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghé thăm các phòng trưng bày gốm của nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn tại làng Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội, du khách sẽ có cảm giác như đang lạc vào một không gian thuần Việt mang nét đặc trưng của ngôi nhà thuộc đồng bằng Bắc Bộ và “tròn mắt” ngắm những tuyệt tác của ông.

 Tô Thanh Sơn là một trong bốn nghệ nhân tài ba nhất làng gốm Bát Tràng.
 Nói đến gốm Tô Thanh Sơn là nói đến men lam thời Nguyễn và nói đến men rạn (rạn từ xương gốm) cổ truyền. Một thương hiệu đích danh, dị biệt. 
 Khu trưng bày gốm của nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn có tên Thuận An Đường, một không gian được trang trí đậm chất thuần Việt. 
 Những ngày hè oi ả, chỉ cần bước chân qua cổng Thuận An Đường, mọi bức bối sẽ được xua tan.
 Đó là một ngôi nhà đúng với nghĩa quê thứ thiệt, với những viên gạch Bát Tràng xưa cũ. 
 Cây hoa giấy rực rỡ tỏa bóng mát bên hiên nhà khiến khung cảnh yên bình mà vẫn rực rỡ.
 Những chum vại cùng tượng gốm và cây cối nơi đây được sắp xếp hài hòa. 
 Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn bộc bạch trên tấm bảng treo vách tường: “...Từng góc nhìn, từng bước chân, toát lên được cái hồn cốt, cái tình người trong gốm. Với mong muốn mọi người khi ghé thăm đều cảm thấy như trở lại chốn quê dưới mái nhà xưa...”. 
 Hẳn vì thế nên du khách đến đây đều có cảm giác thân thương. 
 Bức tượng ông Di Lặc đang cười với niềm vui con cháu trở về.
 Những bình lọ, lư hương, nghê, hạc và các tượng Phật... được nghệ nhân Tô Thanh Sơn phục chế, không khác gì đồ gốm cổ với các màu men của cha ông hàng trăm năm qua. 
 Đặc biệt trong đó có chiếc chóe lớn màu men trà, một màu men cổ được nghệ nhân chế tác nhân dịp chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hiện vẫn được lưu giữ tại đây. ở lại chốn quê dưới mái nhà xưa...”.
 Hình tượng của chiếc chóe thanh thoát tựa bông sen và toàn bộ bề mặt được khắc bức phù điêu tròn với hình ảnh vua Lý Công Uẩn đọc Chiếu dời đô về Thăng Long. Cùng với đó, phía sau là toàn bộ bức Chiếu dời đô. Đây là một tác phẩm gốm tạo hình đậm chất truyền thống và lớn nhất từ trước đến nay (cao 1,65m, đường kính 1m). Đó là một kỷ lục và một đỉnh nghệ thuật gốm Bát Tràng.
 Tất cả những sản phẩm gốm sứ được trưng bày tại Thuận An Đường đều là hàng phục chế cổ vật mang ngôn ngữ gốm Tô Thanh Sơn – một nhân tài đất Việt.
 Nếu có dịp ghé thăm làng Bát Tràng, du khách đừng quên tới Thuận An Đường để uống trà, ngắm cây, và nghe nghệ nhân Tô Thanh Sơn kể chuyện gốm, giới thiệu về gốm.