Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trông giữ xe dưới gầm cầu: Chỉ là giải pháp tình thế

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến việc cho phép tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu, gầm đường trên cao tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là giải pháp hữu hiệu nhưng chỉ mang tính chất tạm thời khi quỹ đất dành cho giao thông tĩnh quá ít.

 Bãi trông giữ xe tại gầm cầu Ngã tư Vọng. Ảnh: Hải Ngọc

An toàn phải đặt lên hàng đầu
Ngày 19/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/2019/NĐ - CP về tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021. Trong đó giao nhiệm vụ cho UBND TP Hà Nội rà soát, tổ chức hợp lý các khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe. Mới đây, Bộ GTVT cũng đã chấp thuận đề xuất cho tổ chức trông giữ xe tại một số vị trí dưới gầm cầu của Hà Nội.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ và Bộ GTVT đã giúp Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác gỡ khó phần nào vấn đề giải quyết nhu cầu đỗ gửi xe. Điều đáng quan tâm nhất trong lúc này là tổ chức thực hiện như thế nào. Tiến sĩ giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định: “Vì các vị trí dưới gầm cầu, gầm đường trên cao nằm trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn kết cấu kỹ thuật công trình nên yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu”. Ông Tân cho rằng, TP Hà Nội hoặc chí ít là các DN được cấp phép khai thác cần ban hành một bộ quy định riêng về PCCC, an toàn kỹ thuật đối với các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu. Bộ quy định này cần được liên ngành thẩm tra kỹ lưỡng chặt chẽ, cả trong quá trình xây dựng lẫn áp dụng ngoài thực tế.
Bên cạnh đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng còn lưu ý đến yếu tố an toàn, thuận tiện trong tổ chức giao thông, ra vào các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu. Ví dụ như 4 điểm trông giữ xe: Gầm cầu Vĩnh Tuy; Chương Dương; gầm cầu vượt Ngã tư Vọng và gầm cầu vượt Mai Dịch hiện đều nằm tại các khu vực có giao thông phức tạp, dễ xảy ra ùn tắc. “Đối với cả 4 điểm này và những điểm khác nữa, nếu khai thác, cần có phương án tổ chức giao thông hợp lý nhất. Phương án phải ưu tiên thuận lợi, an toàn cho người tham gia giao thông trước, rồi mới đến việc trông giữ xe. Nếu không bảo đảm được yếu tố này thì không nên tổ chức trông giữ”.
Giới hạn thời gian khai thác
Trong bối cảnh khó khăn về hạ tầng giao thông tĩnh như hiện nay, việc tổ chức các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu là phù hợp. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đó chỉ là giải pháp ngắn hạn. Tiến sĩ Đặng Minh Tân nhìn nhận: “Hà Nội cần xác định rõ, việc trông giữ xe dưới gầm cầu chỉ là ngắn hạn. Giấy phép cấp cho các điểm trông giữ như vậy cũng không nên cấp quá dài”. Ông Tân phân tích, về lâu dài, TP sẽ dần đáp ứng được nhu cầu giao thông tĩnh, khi đó các điểm trông xe dưới gầm cầu sẽ không cần thiết nữa và nên chấm dứt để bảo đảm tuyệt đối các yếu tố an toàn. Mặt khác, trông giữ xe dưới gầm cầu đòi hỏi tính chuyên nghiệp và năng lực kỹ thuật cao của DN.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, khác với các điểm trông giữ thông thường, điểm dưới gầm cầu, gầm đường trên cao có nhiều thuận lợi do không phải đầu tư lớn về hạ tầng. Hầu hết các vị trí như vậy đều đã có sẵn mặt bằng tốt, hạ tầng xung quanh hoàn chỉnh. Bởi vậy, các DN được khai thác không tốn nhiều tiền đầu tư cơ bản. Đổi lại TP cần yêu cầu các DN này đầu tư vào công nghệ, phương án bảo đảm giao thông để tối ưu và bảo đảm an toàn cho các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu. Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng: “Có thể xem xét yêu cầu tất cả các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu phải ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, vận hành, vừa thuận tiện cho người dân, vừa dễ kiểm soát cho TP”.
Các điểm trông xe dưới gầm cầu chỉ được tồn tại trong ngắn hạn, trước mắt là đến năm 2023. Hiện nay, Quy hoạch bến, bãi đỗ xe của Hà Nội đã được phê duyệt. Khi Quy hoạch được triển khai vào thực tế, các điểm trông giữ xe được hình thành đủ để đáp ứng nhu cầu, TP sẽ chấm dứt hoạt động của các điểm này.
Phó Giám đốc Sở GTVT Ngô Mạnh Tuấn