Trong khó tạm có cái khác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan hệ vốn đang ở mức thấp nhất giữa Nga và Mỹ đang đứng trước thử thách chưa từng có, nếu không muốn nói là đối mặt với nguy cơ của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới do những diễn biến liên quan đến tình Ukraine.

Trong chuyến đi châu Âu vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố Mỹ sẽ triển khai trang thiết bị cho một tiểu đoàn của một số nước thành viên NATO có chung biên giới với Nga. Ngay lập tức Moscow đã có tuyên bố bước đi này của Mỹ là hành động khiêu khích, đe dọa an ninh của Nga. Đồng thời khẳng định Moscow sẽ có biện pháp đối phó, đáp trả thích đáng.

Trên dư luận khá thịnh trị quan điểm cho rằng, các bước đi này của hai bên không chỉ khiến quan hệ giữa Nga và Phương Tây thêm tồi tệ sau quyết định duy trì lệnh trừng phạt kinh tế Nga mà EU vừa công bố mà còn dẫn đến nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai bên

Về mặt lý thuyết, nguy cơ này không thể bị loại trừ. Nhưng trên thực tế rất khó để xảy ra kịch bản hai bên xô đẩy nhau vào cuộc chạy đua vũ trang mới. Việc Mỹ triển khai trang bị cho một tiểu đoàn thật ra không vi phạm hiệp ước hợp tác giữa NATO và Nga. Chỉ khi Mỹ triển khai cả binh lính nữa thì mới vi phạm hiệp ước này và tạo ra bối cảnh tình hình mới.

Mỹ phải hành động như vậy nhằm đáp ứng nhu cầu trang trải tâm lý lo ngại ở các nước thành viên NATO có biên giới chung với Nga về nguy cơ an ninh từ phía Nga và không tin được NATO lưu ý thỏa đáng đến những lợi ích của họ mà họ cho rằng hiện đang bị đe dọa bởi Nga và bởi chính sách của Nga đối với Ukraine. Tác động tâm lý và chính trị của việc Mỹ triển khai vũ khí ở các nước kia lớn hơn nhiều tác động về quân sự và mới là mục đích chính của Mỹ.

Việc này làm cho quan hệ giữa Mỹ và Nga nói riêng, giữa cả phương Tây và Nga nói chung thêm căng thẳng, trắc trở và gay cấn thật đấy. Nhưng đó lại là cách Mỹ leo thang căng thẳng tối thiểu nhằm đạt được tác dụng tối đa về chính trị và tâm lý. Để không kích động Nga tạo nên vòng xoáy ăn miếng trả miếng và chạy đua vũ trang với nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Rõ ràng là vì bế tắc ý tưởng chính sách và biện pháp đối phó Nga ở châu Âu và Ukraine nên Mỹ mới phải dùng chiêu sách này.