Trồng trọt sai cách, nông nghiệp đô thị cũng gây hại không ngờ

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo một nghiên cứu mới, trái cây và rau trồng trong các khu vườn đô thị ở châu Âu và Mỹ hiện có lượng khí thải carbon trung bình lớn hơn 6 lần so với cùng loại sản phẩm được trồng ở các trang trại thông thường.

Nông dân và người làm vườn tại 73 địa điểm nông nghiệp đô thị ở Pháp, Đức, Ba Lan, Anh và Mỹ đã tham gia với tư cách là "nhà khoa học công dân" trong nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Michigan (Mỹ) dẫn đầu. Được công bố trên tạp chí Nature Cities hôm 22/1, đây là nghiên cứu lớn nhất từng được tiến hành so sánh lượng khí thải của nông nghiệp đô thị và nông nghiệp truyền thống.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi lượng khí thải nhà kính từ cơ sở hạ tầng trang trại, nguồn cung cấp và nước tưới thông qua những ghi chép hàng ngày được thực hiện trong mùa vụ 2019. Họ phát hiện ra rằng trung bình, thực phẩm trồng trong vườn thành phố thải ra 0,42 kg lượng CO2 tương đương trên mỗi khẩu phần ăn, so với 0,07 kg CO2 tương đương trên mỗi khẩu phần ăn đối với thực phẩm từ các trang trại thông thường.

Tuy nhiên, một số loại cây trồng được chứng minh là ít thải carbon hơn khi được trồng ở các thành phố so với các trang trại thông thường. Chẳng hạn, cà chua đô thị thường "xanh" hơn cà chua thông thường, chủ yếu là do cường độ năng lượng của nhà kính thương mại. Các loại rau thông thường dễ hư hỏng như măng tây, thường được phân phối bằng máy bay, cũng có lượng khí thải carbon bằng hoặc cao hơn so với các loại cây tương tự được trồng ở thành phố.

Khoảng 20% ​​đến 30% cư dân thành thị trên toàn cầu đã tham gia vào một số hình thức nông nghiệp đô thị, hầu hết đều diễn ra trên các mảnh đất lộ thiên. Trồng lương thực ở các thành phố có những lợi ích như giảm thiểu nhiệt độ cao hơn do nhựa đường và bê-tông giữ nhiệt, được gọi là hiệu ứng "đảo nhiệt đô thị". Nó cũng mang lại những lợi ích sức khỏe và xã hội quan trọng cho những người tham gia, bao gồm tăng cường sức khỏe tinh thần, cải thiện chế độ ăn uống và củng cố mạng lưới xã hội địa phương.

Nghiên cứu về các loại cây trồng mà nông dân thành thị chọn trồng cho thấy động cơ lựa chọn loại rau để trồng sẽ dẫn đến kết quả khác nhau đáng kể, và phụ thuộc vào các ưu tiên như chế độ ăn uống cân bằng hoặc sở thích văn hóa. Mọi người có thể chọn trồng những loại thực phẩm không được phổ biến rộng rãi ở thành phố nơi họ sinh sống, nhưng động lực chung nhất trong số những người được các nhà khoa học khảo sát cho nghiên cứu này là tính bền vững của môi trường.

"Nông nghiệp đô thị mang lại nhiều lợi ích về môi trường, dinh dưỡng và xã hội, khiến nó trở thành một đặc điểm hấp dẫn của các thành phố bền vững trong tương lai" - Jason Hawes, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết - "Những người thực hành nông nghiệp đô thị có thể giảm tác động đến khí hậu bằng cách trồng các loại cây thường được trồng trong nhà kính hoặc vận chuyển bằng đường hàng không, bên cạnh việc thực hiện những thay đổi trong thiết kế và quản lý địa điểm".

Các tác giả nhận thấy, chuyển đổi cây trồng không phải là cách duy nhất để làm cho nông nghiệp đô thị thân thiện hơn với khí hậu. Đồng tác giả Benjamin Goldstein nhận định: "Hầu hết tác động đến khí hậu tại các trang trại đô thị đều đến từ vật liệu được sử dụng để xây dựng chúng - cơ sở hạ tầng. Những trang trại này thường chỉ hoạt động trong vài năm hoặc lâu nhất là một thập kỷ, vì vậy khí nhà kính dùng để sản xuất những vật liệu đó thường không được sử dụng hiệu quả".

Kéo dài tuổi thọ của vật liệu và cấu trúc như đẩy luống cao, thùng ủ phân và nhà kho có thể giúp giảm tác động tới môi trường của những khu vườn đô thị. Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất tái sử dụng chất thải đô thị như mảnh vụn xây dựng để xây dựng các công trình, đồng thời sử dụng nước mưa và nước tái chế để tưới tiêu.

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu vẫn khẳng định lợi ích xã hội của canh tác đô thị là rất cao, ngay cả khi xem xét cùng với tác động phát thải carbon và môi trường, chúng vẫn vượt trội so với nông nghiệp truyền thống.