Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trụ sở cơ quan hành chính đặt tại Mỹ Đình

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 348/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (báo cáo lần III).

KTĐT - Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 348/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (báo cáo lần III).

Theo đó, trước mắt nghiên cứu quy hoạch trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước tại khu vực Mỹ Đình; đồng thời bảo tồn khu phố cổ và các nhà biệt thự trong khu phố cũ. Thủ tướng cũng yêu cầu dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các nhà cao tầng trong khu vực trung tâm.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng chỉ đạo Tư vấn tập trung hoàn thiện đồ án, hồ sơ trình thẩm định trước ngày 31/01/2010 và báo cáo theo lịch sau:

- Cuối tháng 2 năm 2010, báo cáo Chính phủ.

- Tháng 3 năm 2010, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị và Trung ương Đảng.

- Tháng 5 năm 2010: Báo cáo kết quả thực hiện công tác lập Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội với Quốc hội.

Quy hoạch trụ sở cơ quan hành chính tại Mỹ Đình

Liên quan đến những tranh luận xung quanh đề xuất xây dựng Trung tâm hành chính của Liên danh tư vấn quốc tế PPJ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến kết luận: "Trong giai đoạn trước mắt, giao Bộ Xây dựng phối hợp với UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu quy hoạch trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước tại khu vực Mỹ Đình, tạo điều kiện cho các Bộ, ngành trung ương xây dựng nâng cấp trụ sở làm việc, đồng thời đáp ứng yêu cầu công tác cải cách hành chính. Tiếp tục nghiên cứu kỹ quy mô, phạm vi khu vực bố trí Trung tâm hành chính trong tương lai (tầm nhìn đến năm 2050) để đầu tư xây dựng khi có điều kiện".

Về không gian Thủ đô Hà Nội mở rộng, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu sâu hơn, làm rõ ưu, nhược điểm cụ thể của từng phương án. Phương án được đề xuất lựa chọn phải bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, hạn chế việc di dời dân cư và thể hiện chi tiết hơn tỷ lệ sử dụng đất của đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, khu vực đấy cây xanh và khu vực nông thôn. Đồng thời làm rõ hơn nữa tính chất, chức năng, vai trò của từng đô thị trong mối liên kết với đô thị trung tâm; cũng như nghiên cứu đầy đủ, cụ thể hơn về phương án xây dựng kết cấu hạ tầng như: giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, các vấn đề về cấp, thoát nước, công viên, cây xanh, hồ điều hòa. Đặc biệt nghiên cứu sâu về giao thông đường bộ và đường sắt, đề xuất các loại phương tiện giao thông, tỷ lệ giao thông công cộng trong đô thị…

Kinh tế đô thị được đánh giá là vấn đề rất quan trọng. Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, tính toán dài hạn có phân tích, dự báo phát triển kinh tế, tỷ lệ tăng trưởng… bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác xây dựng và phát triển Thủ đô theo quy hoạch, theo hướng chủ yếu dựa vào nội lực. Tư vấn nghiên cứu đề xuất các giải pháp trên cơ sở phối hợp hài hòa các hình thức đầu tư, phát huy tiềm năng đất đai, đặc biệt là các khu đất đô thị hóa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng.

Bảo tồn gắn liền với phát triển

Đối với khu vực đô thị trung tâm, một yêu cầu được đặt ra là nghiên cứu phương án quy hoạch bảo tồn khu phố cổ và các nhà biệt thự trong khu phố cũ để tôn tạo, bảo tồn, có kế hoạch phục hồi, trùng tu, duy trì phong cách kiến trúc đặc thù của các công trình này. UBND thành phố Hà Nội được giao chỉ đạo dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các nhà cao tầng trong khu vực trung tâm. Đối với các khu chung cư cũ, khi cải tạo cần thực hiện chủ trương bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đô thị như: mật độ xây dựng, tỷ lệ đất danh cho giao thông, cây xanh…

Về quản lý kiến trúc quy hoạch, UBND thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan lập ngay Quy chế quản lý xây dựng đô thị và kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Trong đó, khuyến khích các dự án đầu tư xây dựng đồng bộ, các khu nhà cao tầng tại các khu đô thị mới giữa các vành đai 3 và vành đai 4 và các đô thị vệ tinh để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, giảm tải cho đô thị trung tâm. Quản lý nghiêm ngặt việc đầu tư xây dựng ngoài vành đai giao thông đối ngoại để bảo vệ vành đai xanh của Thủ đô.

Khu vực nông thôn là khu vực có tính chất đặc thù của Thủ đô, nơi cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ cho đô thị, đồng thời chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, do vậy quy hoạch vừa phải đáp ứng yêu cầu cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo đảm sự phát triển cân bằng giữa hai khu vực nông thôn và đô thị, vừa phải bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho khu vực này.