Thu 37.364 tỷ đồng tiền sử dụng đất
Theo đó, Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3 - 5 đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ. Lô đất 3 - 5 có diện tích 6.446m2.
Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3 - 8 (diện tích 8.568,1m2) đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.
Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3 - 9 (diện tích 5.009,1m2) đóng 5.026 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ cho diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.
Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất số 3 - 12 (diện tích 10.059,7m2) đóng 24.500 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng cho diện tích sử dụng thương mại dịch vụ.
Thông báo nêu rõ, trong vòng 30 ngày kể từ khi Cục Thuế TP ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, doanh nghiệp phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất. Ví thế, có thể gần hết thời hạn này, các đơn vị trúng đấu giá đất mới nộp tiền đợt đầu và chậm nhất trong 90 ngày kể từ ngày 6/1, các đơn vị trúng đấu giá sẽ nộp 50% số tiền sử dụng đất còn lại.
Trường hợp doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất thì cơ quan thuế áp biện pháp cưỡng chế theo hướng yêu cầu doanh nghiệp tự xác định số tiền chậm nộp (bằng số ngày chậm nộp nhân với lãi 0,03%/ngày) rồi nộp đầy đủ tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp.
Ngoài ra, nếu trong thời gian tới có thay đổi về quy hoạch làm tăng giá trị đất hoặc cơ quan Nhà nước kết luận phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung thì doanh nghiệp trúng đấu giá đất phải có trách nhiệm thực hiện theo quy định.
Trước đó, ngày 10/12, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất 3 - 12 (10.060m2) tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng (hơn 7 lần giá khởi điểm).
Đây là thông tin gây xôn xao thị trường bất động sản thời gian qua. Riêng việc huy động 1 tỷ USD để thanh toán cũng đang là 1 vấn đề đặt ra và nếu huy động thành công cũng là 1 câu chuyện cá biệt về dòng tiền.
Nhiều bất thường?
Liên quan đến sự kiện đấu giá Thủ Thiêm, mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định: “Đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng một m2 là bất thường”!
Theo Bộ trưởng Tài chính, giá đất trung bình tại đường Nguyễn Huệ, nơi được ví là trái tim của TP Hồ Chí Minh có giá khoảng 1,5 tỷ đồng một m2. Trong khi đó, Thủ Thiêm là khu vực mà hạ tầng mới, đang còn xây dựng, hoang vắng thì mức đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng. "Mức giá này là không phù hợp, không thực khi giao dịch đột biến tăng gấp vài lần" - ông Hồ Đức Phớcn hận xét.
Bộ trưởng Tài chính cho rằng, cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Với trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý Nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên Môi trường, kể cả vấn đề giá đất.
Trong báo cáo đánh giá tác động của phiên đấu giá đất tại Thủ Thiêm vừa trình Thủ tướng, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cũng cho biết, nghiên cứu xu thế trả giá của đa số các doanh nghiệp tham gia phiên này cho thấy, mức phù hợp để triển khai dự án chỉ gấp 2 - 4 lần khởi điểm. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn tham gia cũng không kịp trả giá lần này. Trong khi đó, công ty trúng thầu đấu giá chỉ là doanh nghiệp tầm trung hoặc mới thành lập được một vài năm, thậm chí vừa mới lập.
Kết quả đấu giá có độ vênh rất cao (3,9 - 8,3 lần) từ mức khởi điểm đến mức đấu giá thành công. Diễn biến này theo HoREA, bộc lộ nhiều bất cập của các phương pháp xác định giá đất để định giá đất cụ thể để làm giá khởi điểm, hoặc để tính tiền sử dụng đất theo quy định. Hiệp hội này cũng cho rằng có nhiều kẽ hở trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm.