Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Đông trước những diễn biến khó lường sau vụ Iran không kích Israel

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình tại Trung Đông đang trở nên phức tạp và khó lường, nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội về mặt ngoại giao.

Các nhà phân tích lo ngại vụ không kích của Iran có thể gây ra một cuộc chiến quy mô lớn hơn. Ảnh: Survive The News
Các nhà phân tích lo ngại vụ không kích của Iran có thể gây ra một cuộc chiến quy mô lớn hơn. Ảnh: Survive The News

Vụ không kích của Iran nhằm vào Israel cuối tuần qua đã làm gia tăng nguy cơ leo thang quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai quốc gia đối địch trong khu vực thành đối đầu trực tiếp, làm dấy lên lo ngại về kịch bản xung đột trong khu vực vượt quá tầm kiểm soát. 

Tuy nhiên, Israel hiện vẫn chưa có phản ứng trước cuộc tấn công của Iran. 

Thay vì đưa ra tín hiệu về một cuộc đối đầu trực tiếp với Iran, Chính phủ Israel lại cho thấy dường như mọi hoạt động đang trở lại trạng thái bình thường, nới lỏng các hạn chế đối với những sự kiện tụ tập đông người và cho phép các trường học mở cửa đón học sinh trở lại.

Một số chính trị gia Israel cánh hữu bày tỏ sự thất vọng vì không có phản ứng tức thời từ quân đội Israel, họ tin rằng nước này cần phải đáp trả ngay lập tức nhằm răn đe đối phương.  

Các quan chức cánh trung lập đưa ra ý kiến Israel nên chờ đợi thời cơ trước khi đáp trả và tận dụng sự đồng cảm từ các đồng minh, nhất là Mỹ, vốn đang ngày càng bày tỏ sự không hài lòng về cuộc chiến ở Gaza.

Bất kỳ phản ứng mạnh mẽ nào của Israel sẽ có nguy cơ chọc giận Tổng thống Biden, người đã thúc ép Israel “làm mềm” tình hình. Phía Israel sẽ cần sự hỗ trợ quân sự của Mỹ nếu xảy ra một cuộc đối đầu lớn trong tương lai.

Israel đã hứng chịu sự chỉ trích của Washington vì kéo dài cuộc chiến ở Gaza. Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel giờ đây phải cân nhắc lợi ích của việc trả đũa với nguy cơ làm mất lòng Tổng thống Mỹ. Cùng với đó là rủi ro thâm hụt về nhân lực và tài chính khi phải tham gia hai cuộc chiến một lúc [xung đột với Hamas và Iran].

Một quan chức Israel đã thông báo tóm tắt về các cuộc thảo luận nội bộ, những ủy viên tham dự được ẩn danh nêu ý kiến về các khả năng, từ ngoại giao cho đến quân sự. Tuy nhiên hiện Israel vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. 

Nhìn chung, khả năng bùng phát một cuộc chiến giữa Israel và Iran vẫn chưa chắc chắn.

Các nhà phân tích cho rằng bản chất phản ứng của Israel có thể quyết định tới khả năng xảy ra chiến tranh khu vực. Đồng thời, điều này có thể cải thiện hoặc làm căng thẳng mối quan hệ của Israel với các quốc gia Ả Rập có chung lập trường không mấy thân thiện với Iran.

Cũng có thể Israel và Iran chỉ đơn giản quay trở lại các chuẩn mực đã được thiết lập trong cuộc “chiến tranh không chính thức” giữa hai nước. Ông Dana Stroul, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc chịu trách nhiệm về Trung Đông, cho biết: “Từ góc độ an ninh của Israel, thật khó để hiểu làm thế nào họ có thể để mọi chuyện lắng xuống”. 

Cuộc tấn công cuối tuần qua, trong đó Iran đã sử dụng hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào Israel được lý giải là để trả đũa vụ không kích vào đại sứ quán nước này ở Syria gần đây, khiến 7 quan chức quân đội cấp cao thiệt mạng.

Về mặt quân sự, các cuộc tấn công của Iran cho thấy họ sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Israel thay vì thông qua việc sử dụng các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực như Hezbollah ở Lebanon.

Về mặt ngoại giao, các cuộc tấn công của Iran và sự phòng vệ hiệu quả của Israel, kết quả từ sự phối hợp với các đối tác phương Tây và Ả Rập, đã giúp chuyển sự chú ý của quốc tế khỏi cuộc chiến của Israel ở Gaza, nơi số người chết được báo cáo là hơn 33.000 người với những cáo buộc về diệt chủng nhằm vào Tel Aviv.

Vào thời điểm các đồng minh thân cận nhất của Israel ngày càng chỉ trích cách hành xử của quân đội nước này ở Gaza, các cuộc tấn công của Iran đã thúc đẩy các đối tác đó hợp tác chặt chẽ với Israel trong hoạt động phòng thủ.

Ông Itamar Rabinovich, Cựu đại sứ Israel tại Washington, cho biết: “Bạn có thể thấy rằng không chỉ ở Ả Rập mà cả các nước Tây Âu, vị thế ngoại giao của Israel phần nào được cải thiện khi là nạn nhân của vụ tấn công từ Iran, qua đó giảm bớt áp lực lên nước này liên quan đến cuộc chiến tại Gaza”. “Việc trở thành ‘nạn nhân’ sẽ cải thiện vị thế của bạn,” ông nói.