Theo Nikkei Asia, Sumitomo mới đây đã mua lại 29 cơ sở xử lý nước thải tại Trung Quốc, trong khi Toray có kế hoạch cung cấp công nghệ xử lý nước của riêng mình. Cả hai công ty này sẽ đầu tư ít nhất 10 tỷ yên (87,8 triệu USD) mỗi công ty vào hoạt động kinh doanh.
Các động thái này tuân theo kế hoạch 5 năm của Chính phủ Bắc Kinh đưa ra trong tháng này, nhằm cải thiện mức sống ở các làng nông nghiệp. Điều này bao gồm một "cuộc cách mạng" nhà vệ sinh ở nông thôn, đẩy mạnh lắp đặt rộng rãi nhà vệ sinh tự hoại và xây dựng các trung tâm xử lý nước thải.
Sumitomo hiện đã thành lập một công ty liên doanh với Beijing Capital - một công ty cấp nước lớn của Trung Quốc. Công ty mới, được gọi là Capital Summit Environment Investment, hiện đang vận hành 32 trung tâm xử lý nước thải, với tổng công suất 1,3 tấn/ngày.
Sumitomo dự kiến cử ít nhất 2 giám đốc điều hành đến Capital Summit, có trụ sở chính tại tỉnh Sơn Đông, để tiến hành tiếp thị cũng như xem xét các mục tiêu đấu thầu tiềm năng.
Capital Summit có kế hoạch phát triển hoặc mua thêm 2 - 3 trung tâm điều trị mỗi năm. Hoạt động này dự kiến tiêu tốn hơn 10 tỷ yên vào năm 2030, bao gồm cả chi phí nâng cấp thiết bị. Công suất sẽ tăng lên 2,6 triệu tấn vào thời điểm đó.
Tỉnh Sơn Đông, nằm dọc theo biển Hoàng Hải ở phía Đông Trung Quốc, đã chứng kiến sự bùng nổ dân số và mức sống được cải thiện nhờ sự phát triển kinh tế của khu vực. Tuy nhiên việc xây dựng cơ sở hạ tầng chưa thể theo kịp với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.
Theo một công ty nghiên cứu Nhật Bản, tỉnh Sơn Đông sẽ phải đáp ứng nhu cầu cung cấp nước cho 50 triệu người vào cuối thập kỷ này, hoặc tăng 25% so với năm ngoái. Điều này gây áp lực buộc tỉnh phải mở rộng các cơ sở và áp dụng các đổi mới để nâng cao hiệu quả xử lý nước.
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), thị trường nước của Trung Quốc được dự báo sẽ vượt mốc 30 nghìn tỷ yên vào năm 2030 - gấp đôi quy mô vào năm 2020. Trung Quốc sẽ trở thành thị trường chỉ đứng sau 35 nghìn tỷ yên của Bắc Mỹ. Tăng trưởng thị trường của Trung Quốc vượt xa các quốc gia khác ở phương Tây và châu Á.
Toray cũng đã nhìn thấy cơ hội "vàng" trong lĩnh vực kinh doanh xử lý nước của Trung Quốc. "Gã khổng lồ" vật liệu Nhật Bản sẽ thành lập một nhà máy màng lọc mới ở tỉnh Quảng Đông trước tháng 3 năm sau. Nhà máy sẽ sản xuất màng thẩm thấu ngược với khẩu độ chỉ rộng 0,6 - 0,8 nm. Các màng này được sử dụng để khử muối trong nước biển và tái sử dụng nước thải.
Toray dự kiến đầu tư khoảng 10 tỷ yên vào nhà máy, với mục tiêu nâng thị phần màng thẩm thấu ngược tại Trung Quốc lên 50% từ mức 30% của năm 2020. Nhà máy mới sẽ là trung tâm sản xuất các sản phẩm xử lý nước thứ 3 của Toray, sau các địa điểm đã có ở thru đô Bắc Kinh và tỉnh Giang Tô.
Tháng trước, Chính phủ Trung Quốc cho biết họ sẽ thiết lập một kế hoạch hành động để cắt giảm lượng khí metan phát thải tại các cơ sở xử lý nước thải.
Đại diện đơn vị xử lý nước của Toray cho biết: "Các màng xử lý nước có thể trực tiếp và gián tiếp đóng góp vào các mục tiêu khí hậu của Bắc Kinh. Cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực xử lý nước của Trung Quốc đang ngày càng mở rộng".
Các công ty Nhật Bản sở hữu công nghệ hàng đầu thế giới về xử lý nước và sử dụng năng lượng hiệu quả, nhưng hiện chỉ chiếm 0,18% thị phần trong thị trường nước của Trung Quốc trong năm tài chính 2019 - theo số liệu của METI.
Không giống như các "ông lớn" ngành nước, chẳng hạn như công ty Veolia của Pháp, các tập đoàn Nhật Bản không thể cung cấp các dịch vụ toàn diện bao gồm kỹ thuật, mua sắm và xây dựng các nhà máy đi kèm với việc vận hành và bảo trì các cơ sở.
Vì vậy, hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc được cho là không thể thiếu trong việc thâm nhập thị trường này. Vì mối quan hệ với chính quyền địa phương được cho sẽ ảnh hưởng đến các đơn đặt hàng đối với các dự án cơ sở hạ tầng xã hội, nên sự hợp tác giữa công - tư cũng trở nên quan trọng.
Sumitomo của Nhật Bản có thành tích về cải thiện cơ sở hạ tầng nước ở những quốc gia như Brazil và Anh, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý lượng nước lớn trong khoảng thời gian ngắn. Điều này đang được hy vọng có thể được áp dụng tại Trung Quốc.
So với các trung tâm thành thị, các hoạt động xử lý nước ở khu vực nông thôn của Trung Quốc tốn kém hơn, do phải đặt đường ống trên một khoảng cách xa cùng với khó khăn trong bảo trì các cơ sở xử lý. Sumitomo và Toray sẽ phải áp dụng công nghệ của Nhật Bản để giải quyết những thách thức này.