Trung Quốc cạnh tranh Mỹ biến giấc mơ "ô tô bay" thành hiện thực

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một công ty khởi nghiệp về xe điện Trung Quốc đang đặt cược lớn vào cuộc chạy đua trên thị trường trị giá 1 nghìn tỷ USD này.

Đám đông hàng trăm người sửng sốt trầm trồ khi chiếc ô tô hai chỗ với đôi cánh mòng biển bay lên và bay lơ lửng trên đầu họ khoảng 30m, trước khi nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất.

“Hãy khiến người Trung Quốc chúng tôi tự hào ở Dubai!” một số người nhiệt tình hơn đồng thanh hét lên.

Ô tô bay - lĩnh vực tiềm năng

Trong vài tháng qua, công ty Xpeng Aeroht của Trung Quốc đã tổ chức hai chuyến bay công khai đầu tiên đối với sản phẩm "ô tô bay" này. Cuộc bay thử kéo dài 90 giây gần hòn đảo Palm Jumeirah tại Dubai vào tháng 10, nối tiếp một cuộc diễn tập khác trước đó ở Quảng Châu, Trung Quốc. Đây là những dấu mốc quan trọng đối với công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi nhà sản xuất xe điện Xpeng.

Mẫu ô tô bay của doanh nghiệp XPeng tại một cuộc bay thử. Ảnh: Bloomberg
Mẫu ô tô bay của doanh nghiệp XPeng tại một cuộc bay thử. Ảnh: Bloomberg

Nhà sáng lập tỷ phú của công ty xe điện đang đặt cược lớn rằng họ có thể vượt qua các rào cản pháp lý, chạy đua giành thị phần của thị trường trị giá 1 nghìn tỷ USD này. 

“Xe bay đang tiến gần đến hiện thực và chúng tôi nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để tham gia,” Brian Gu, chủ tịch của Xpeng, cho biết bên lề sự kiện GITEX ở Dubai.

“Ngành công nghiệp này tạo ra rất nhiều đột phá kỹ thuật, từ giảm trọng lượng đến tránh chướng ngại vật và điện khí hóa", ông nói. 

Một số người cho rằng còn quá sớm đối với những thiết kế ô tô bay này, trong khi số khác đang bắt đầu rót các khoản đầu tư vào.

Công ty Aeroht, được thành lập vào năm 2013 bởi Zhao Deli, 45 tuổi, đã trở thành ngôi sao triển lãm tại GITEX, một trong những hội nghị thương mại thường niên lớn nhất của Dubai. Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã ghé qua gian hàng này. Mọi người xếp hàng để chụp ảnh với nguyên mẫu của chiếc ô tô bay tại gian hàng. 

Sự hào nhoáng này, mặt khác, ngược lại so với thực tế mà các công ty khởi nghiệp trong ngành phải trải qua trong nhiều năm qua. Các công ty khác trong lĩnh vực như Lilium NV, Joby Aviation và Archer Aviation đã khiến các nhà đầu tư kinh ngạc với danh mục đầu tư trị giá hàng tỷ USD nhưng hiện đang giao dịch gần mức thấp lịch sử. 

Hầu hết các nhà đầu tư nghĩ đến việc đóng cửa công ty và hợp nhất ngành trong những năm tới, ngay cả khi đơn đặt hàng tăng dần, theo một nghiên cứu do Công ty Máy bay Horizon của Canada công bố trong tháng này.

Zhang Junyi, một đối tác của công ty tư vấn Oliver Wyman cho biết các nhà đầu tư muốn tìm thấy “Tesla của ngành công nghiệp ô tô bay”, nhưng có thể mất 10 đến 15 năm để thị trường nở rộ. “Đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô bay là một cuộc chạy marathon cam go.”

"Chiếc bánh" Trung Quốc có khả năng chiếm thị phần cao

Chiếc nguyên mẫu ô tô bay đã trình diễn ở Quảng Châu khiến công ty Aeroht trở nên nổi bật. Trong khi nhiều eVTOL – máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện – không có bánh xe và không thể điều khiển trên mặt đất (ngắn gọn là ô tô bay), thì mẫu xe thế hệ thứ sáu của công ty Trung Quốc là một chiếc ô tô có kèm cả khả năng hoạt động trên đường. Nó trông giống một chiếc ô tô sang trọng hơn là một chiếc máy bay nhỏ có bánh xe, đó là cách tiếp cận của một số công ty hiện nay. 

Trên thực tế, mẫu xe này được thiết kế để chạy trên đường trong hơn 90% thời gian và chỉ sử dụng chế độ bay khi tắc đường hoặc gặp chướng ngại vật. Người sáng lập Zhao cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng chiếc xe - có bốn động cơ điện và tám cánh quạt - có thể được sản xuất hàng loạt vào năm 2025.

Việc theo đuổi "giấc mơ" ô tô bay đã có từ ít nhất một thập kỷ trước, khi các doanh nhân mơ ước dân chủ hóa bầu trời. Trong những năm tiếp theo, lĩnh vực này ngày càng đông đúc khi các nhà đầu tư mơ ước biến một tầm nhìn chỉ tồn tại trong truyện tranh và khoa học viễn tưởng thành hiện thực.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết ô tô bay hoặc lĩnh vực di chuyển hàng không đô thị có thể trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2040.

Các công ty Trung Quốc bao gồm Aeroht, Ehang Holdings và TCab Tech đã tham gia cuộc đua này trong khoảng nửa thập kỷ qua, lấy cảm hứng từ những doanh nghiệp Mỹ như Joby và Archer. Họ đã nuôi dưỡng một thế hệ doanh nhân và nhà đầu tư đang cố gắng tái tạo thành công mà Trung Quốc đã có với xe điện, tận dụng nhiều lợi thế tương đồng như chuỗi cung ứng rộng lớn, nguồn lao động lành nghề rộng lớn, thị trường nội địa khổng lồ và – quan trọng là – sự hỗ trợ chính thức.

Nhiều người đang tin tưởng vào nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc thay thế công nghệ Mỹ trong các lĩnh vực từ chất bán dẫn đến công nghệ khí hậu để thúc đẩy tài trợ và hỗ trợ chính sách.

Warren Zhou, một nhà đầu tư của Decent Capital cho biết: “Có một số ví dụ mà các công ty Mỹ đi đầu mở ra lĩnh vực hứa hẹn có lợi nhuận, sau đó các đối tác Trung Quốc lao vào và giành lấy thị trường với giá thấp hơn". Nhà đầu tư này trích dẫn máy bay không người lái, ván trượt và robot hút bụi. “Điều đó cũng sẽ xảy ra với eVTOL và ngành công nghiệp ô tô bay.”