Trung Quốc cấp chứng nhận cho dịch vụ chở khách bằng máy bay không người lái
Kinhtedothi - Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) lần đầu tiên cấp Chứng nhận hoạt động (OC) dành cho máy bay không người lái chở khách, đánh dấu bước khởi đầu của hoạt động thương mại trong lĩnh vực hàng không tự lái của Trung Quốc.
Hai công ty nhận chứng nhận OC lần này là Tập đoàn EHang, có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông, và Hefei Hey Airlines, có trụ sở tại tỉnh An Huy.
Chứng nhận OC là bằng chứng xác nhận một máy bay không người lái chở khách đạt tiêu chuẩn an toàn vận hành quốc gia, cho phép các công ty sở hữu chứng nhận này triển khai các dịch vụ thương mại liên quan. Người dân và du khách có thể mua vé tại các điểm khai thác để trải nghiệm các chuyến tham quan tầm thấp, du lịch ngắm cảnh đô thị và nhiều dịch vụ vận tải hành khách thương mại khác.
Tập đoàn Ehang cho biết, người dân có thể đặt các chuyến bay tầm thấp tương tự như đặt dịch vụ gọi xe trực tuyến. Công ty sử dụng mẫu máy bay không người lái EH216-S, là phương tiện máy bay cất hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL) duy nhất trên thế giới và tại Trung Quốc đã nhận được đủ 3 chứng nhận để được sản xuất: Chứng nhận kiểu loại (Type Certificate), Chứng nhận sản xuất (Production Certificate), Chứng nhận đủ điều kiện bay (Airworthiness Certificate).

Mẫu máy bay không người lái EH216-S của Tập đoàn Ehang. Ảnh: Xinhua
Phía Ehang dự kiến mở rộng địa điểm khai thác thương mại, xây dựng các trung tâm vận tải hàng không tầm thấp tại nhiều khu vực ở Quảng Châu nhằm cung cấp các dịch vụ du lịch, tham quan đô thị và vận tải hành khách thương mại thường xuyên.
Về phía Hefei Hey Airlines, công ty cho biết sẽ chính thức triển khai dịch vụ hành khách thương mại tại các địa điểm như công viên địa phương. Tại thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, người dân có thể mua vé trải nghiệm các chuyến tham quan tầm thấp và dịch vụ di chuyển hàng không đô thị.
Tổng biên tập tạp chí Aerospace Knowledge, Wang Yanan, nhận định việc cấp chứng nhận OC cho thấy các công ty không chỉ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để vận hành thương mại mà còn tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý nghiêm ngặt. Ông dự đoán sắp tới sẽ có thêm nhiều công ty Trung Quốc đăng ký chứng nhận này.
Luo Jun, Giám đốc điều hành Liên minh Kinh tế Tầm thấp Trung Quốc, cho rằng việc cấp chứng nhận OC đánh dấu giai đoạn phát triển mới của ngành kinh tế tầm thấp tại nước này. Theo ông Lou, các thành phố lớn của Trung Quốc có thể mất khoảng 2-3 năm để hoàn toàn đón nhận nền kinh tế tầm thấp. Thời gian tới, hoạt động chở khách bằng máy bay không người lái sẽ được tiếp tục thử nghiệm tại các khu khu vực chỉ định để tích lũy kinh nghiệm, sau đó thương mại hóa trên quy mô lớn khi các tiêu chuẩn và quy định dần hoàn thiện.
Xem thêm: BMW triển khai tích hợp AI 360 độ trên sản phẩm tại thị trường Trung Quốc
Đầu tháng này, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành kế hoạch hành động đặc biệt nhằm thúc đẩy tiêu dùng, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường hệ thống giám sát đối với nền kinh tế tầm thấp, đồng thời khuyến khích phát triển các dịch vụ du lịch, thể thao hàng không và thiết bị bay tiêu dùng.

Trung Quốc củng cố vị thế dẫn đầu về robot hình người
Kinhtedothi - Trung Quốc tăng tốc phát triển robot hình người nhằm đối phó khủng hoảng lao động và cạnh tranh công nghệ với Mỹ, kỳ vọng biến ngành này thành trụ cột mới của nền kinh tế.

Trung Quốc tạo bộ dữ liệu protein lớn nhất thế giới nhờ AI
Kinhtedothi - Các nhà khoa học Trung Quốc đã có bước đột phá trong nghiên cứu protein bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra bộ dữ liệu chuỗi protein lớn nhất thế giới.

Trung Quốc đạt bước đột phá lớn về công nghệ bán dẫn
Kinhtedothi - Các nhà khoa học Trung Quốc tại Phòng thí nghiệm Jiufengshan (JFS), Vũ Hán, vừa chế tạo thành công tấm bán dẫn GaN phân cực N kích thước 8 inch – lớn nhất thế giới hiện nay.