Reuters trích dẫn báo cáo của các nhà nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Trường Harvard Kennedy, AidData và Viện Kiel cho biết, gần 80% khoản cho vay cứu trợ được thực hiện từ năm 2016-2021, chủ yếu dành cho các nước có thu nhập trung bình bao gồm Argentina, Mông Cổ và Pakistan.
Trung Quốc đã cho vay hàng trăm tỷ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, nhưng việc cho vay đã giảm dần kể từ năm 2016 do nhiều dự án không trả được cổ tức tài chính như mong đợi.
Carmen Reinhart, cựu nhà kinh tế trưởng của WB và là một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Bắc Kinh cuối cùng là đang cố gắng giải cứu các ngân hàng của chính họ. Đó là lý do tại sao họ lao vào hoạt động cho vay cứu trợ quốc tế đầy rủi ro như vậy".
Nghiên cứu cho thấy, các khoản cho vay của Trung Quốc dành cho các quốc gia gặp khó khăn về nợ tăng từ dưới 5% trong danh mục cho vay ở nước ngoài vào năm 2010, lên 60% vào năm 2022. Trong đó, Argentina nhận được nhiều nhất, với 111,8 tỷ USD, tiếp theo là Pakistan với 48,5 tỷ USD và Ai Cập với 15,6 tỷ USD. Có 9 quốc gia nhận được dưới 1 tỷ USD.
Các giao dịch hoán đổi của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) chiếm 170 tỷ USD trong khoản tài trợ giải cứu, bao gồm ở Suriname, Sri Lanka và Ai Cập. Các khoản vay bắc cầu hoặc hỗ trợ cán cân thanh toán của các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc là 70 tỷ USD. Tuần hoàn của cả hai loại khoản vay là 140 tỷ USD.
Nghiên cứu đã chỉ trích một số ngân hàng trung ương có khả năng sử dụng các giao dịch hoán đổi PBoC để tăng số liệu dự trữ ngoại hối của họ một cách giả tạo. Brad Parks, một trong những tác giả của báo cáo, đồng thời là giám đốc của AidData - một trung tâm nghiên cứu tại Đại học William & Mary ở Mỹ, cho biết hoạt động cho vay cứu trợ của Trung Quốc là "không rõ ràng và thiếu sự phối hợp".
Các khoản vay cứu trợ chủ yếu tập trung ở các quốc gia có thu nhập trung bình, chiếm 4/5 khoản cho vay của họ, do rủi ro mà chúng gây ra cho bảng cân đối kế toán của các ngân hàng Trung Quốc. Trong khi đó, các quốc gia có thu nhập thấp được cung cấp thời gian ân hạn và gia hạn thời gian đáo hạn.
Trung Quốc đang đàm phán tái cơ cấu nợ với một số quốc gia, bao gồm Zambia, Ghana và Sri Lanka, đồng thời đã bị chỉ trích vì trì hoãn quá trình này. Đáp lại, Bắc Kinh kêu gọi WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng nên giảm nợ.