Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc đối diện nguy cơ già hóa dân số chưa từng có

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau ba thập kỷ rưỡi thực hiện chính sách một con, Trung Quốc hiện đang đối mặt với việc già hóa dân số nhanh chóng.

Đến năm 2035, ước tính có khoảng 400 triệu người ở Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên, chiếm 30% dân số - theo dự đoán của chính phủ. Và tỷ lệ người theo độ tuổi sẽ nhanh chóng mất cân bằng, nhất là sau khi số ca tử vong vượt quá số ca sinh vào năm ngoái - lần đầu tiên kể từ năm 1961.

Vào năm 2022, tỷ lệ sinh của phụ nữ Trung Quốc giảm xuống dưới mức trung bình 1,1 . Nguồn: Nikkei Asia
Vào năm 2022, tỷ lệ sinh của phụ nữ Trung Quốc giảm xuống dưới mức trung bình 1,1 . Nguồn: Nikkei Asia

Vào tháng 1/2023, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết dân số nước này trong năm 2022 đã giảm mạnh 850.000 người xuống còn 1,412 tỷ người. Đây là đợt giảm mạnh sau đợt giảm năm 1961 đến từ việc thực thi chính sách kinh tế Đại nhảy vọt của Mao Trạch Đông.

Nhiều chuyên gia cho biết sự suy thoái dân số sẽ tiếp tục kéo dài và có khả năng không thể khắc phục được. Điều này chủ yếu xuất phát từ chính sách một con của Trung Quốc nhằm giảm mức sinh từ năm 1980 đến năm 2016.

Gióng hồi chuông cảnh báo

Với việc dân số giảm mạnh vào năm ngoái, Trung Quốc đã gia nhập các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Với những quốc gia may mắn nhất, tình trạng này xảy ra khi đất nước tương đối thịnh vượng, tức là nhiều người cao tuổi có thể hưởng chế độ hưu trí thoải mái. Chẳng hạn, thu nhập trung bình của người dân Nhật Bản đạt mức của “Thế giới thứ nhất”- mức của nền kinh tế tiến bộ - trước khi dân số bắt đầu ổn định. Tuy nhiên, Trung Quốc lại trong một hoàn cảnh kinh tế rất khác. Việc đây chưa phải là một quốc gia có thu nhập cao thì dân số giảm có thể là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế do thiếu hụt lực lượng lao động. Trung Quốc đang đứng trước thảm họa khi lực lượng lao động tiếp tục giảm, quỹ lương hưu cạn kiệt và hệ thống chăm sóc sức khỏe trở nên quá tải.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về tỷ lệ sinh giảm. Vào năm 2022, tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống dưới 1,1, trong khi 2,1 là tỷ lệ cần thiết để duy trì dân số.

Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải dự đoán rằng dân số Trung Quốc có thể bị đẩy xuống còn 587 triệu người vào năm 2100 - chưa bằng một nửa so với hiện nay. Điều đó có nghĩa là cứ 100 người Trung Quốc trong độ tuổi lao động thì sẽ có 120 người già cần hỗ trợ.

Những nguyên nhân chính

Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất dẫn đến tình trạng này là do “chính sách một con” của Trung Quốc từ hơn ba thập kỷ trước. Vào năm 1980, quốc gia này đã thực hiện việc kìm hãm sinh đẻ bắt buộc nhằm hạn chế sự gia tăng của dân số. Song song với cải cách kinh tế, chính sách này nhằm hạn chế quy mô nhưng nâng cao chất lượng dân số Trung Quốc. Chính sách một con đã gây thiệt hại cho nhiều gia đình, bao gồm cả việc phải giết những đứa trẻ chỉ mới chào đời.

Ngày nay, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đang giảm vì những lý do tương tự như ở hầu hết các nền dân chủ trên thế giới, trong đó có thể được xem tác dụng phụ của tăng trưởng kinh tế, tuổi thọ cao hơn, nhiều quyền tự do hơn và phụ nữ được tiếp cận giáo dục rộng rãi hơn.

Năm 2016, chính sách một con được nới lỏng để cho phép sinh hai con và tiếp tục tăng lên ba con sau cuộc điều tra dân số năm 2020. Nhưng ngay cả như vậy, hầu hết các cặp vợ chồng đều chọn sinh một con và tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên tiếp tục giảm.

Các cặp vợ chồng cũng trì hoãn việc sinh con. Tuổi sinh con trung bình ở Trung Quốc đã tăng gần ba năm - từ 26,1 vào năm 2000 lên đến 28,8 vào năm 2021.

Ngoài ra, bất ổn kinh tế là một yếu tố khác dẫn đến tỷ lệ sinh giảm. Ít người kết hôn hơn do chi phí chăm sóc gia đình cao hơn và những thay đổi pháp lý khiến việc ly hôn trở nên khó khăn hơn.

Ít các cuộc hôn nhân hơn đồng nghĩa với việc sinh con cũng ít hơn. Các gia đình truyền thống lâu đời vẫn kỳ thị những bà mẹ đơn thân và những đứa con ngoài giá thú, vì vậy việc có con trong trường hợp này vẫn còn hiếm. Theo một cuộc khảo sát năm 2016 của Đại học Bắc Kinh, trong số các ca sinh của những người phụ nữ sinh từ năm 1980 đến 1989, 1,2% con được sinh ra là ngoài giá thú.

Ngoài ra, các chính sách Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc cũng kéo dài sự bất ổn và làm chậm tăng trưởng kinh tế. Ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc đang nổi loạn chống đối gia đình và xã hội bằng cách chọn không tham gia bất kỳ hoạt động nào. Điều này cùng khiến cho dân số Trung Quốc đứng trên bờ vực.