Trung Quốc “hắt hơi”, kinh tế toàn cầu có “cảm lạnh”?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau “ngày thứ Hai đen tối”, thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc tiếp tục đà giảm điểm trong phiên ngày 25/8. Ngược lại, các thị trường trên toàn cầu đã chứng kiến sự phục hồi nhẹ.

Dao động trái chiều

Tại TTCK Trung Quốc ngày 25/8, chỉ số cơ sở Shanghai Composite chốt phiên giảm 7,63%, xuống mức dưới 3.000 điểm. Thị trường Nhật Bản đã dao động mạnh trong phiên ngày 25/8 trước quan ngại sâu sắc về nền kinh tế Trung Quốc, chỉ số Nikkei 225 chốt phiên đóng cửa giảm gần 4%, xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua. 
Trung Quốc “hắt hơi”, kinh tế toàn cầu có “cảm lạnh”? - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, xu hướng trái ngược diễn ra tại TTCK một số quốc gia khác như Australia, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Thị trường Hàn Quốc ngày 25/8 kết thúc đà giảm liên tiếp 6 ngày, chốt phiên tăng gần 1%, đồng thời tỷ giá Won/USD cũng tăng nhẹ, tác động tích cực từ thỏa thuận tháo ngòi căng thẳng giữa Seoul và Bình Nhưỡng sau vụ nổ mìn ngày 4/8. Chỉ số KOSPI đóng cửa tăng 16,82 điểm, tăng nhẹ 0,92%. Đáng ngưỡng mộ là đà phục hồi của thị trường Australia ngày 25/8 với 2,7%.

Thị trường dầu mỏ và tiền tệ cũng bình ổn hơn sau khi giá dầu và USD tăng lần đầu tiên sau chuỗi giảm 5 ngày liên tiếp.

Chuỗi đà giảm trước đó bắt đầu từ việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ ngày 11/8, với hơn 5.000 tỷ USD đã bị “thổi bay” khỏi TTCK toàn cầu kể từ mốc này. Những quốc gia có thu nhập chủ yếu dựa vào nguồn cầu hàng hóa công nghiệp của Trung Quốc đứng ngồi không yên. Các thị trường mới nổi cũng dao động bởi tuyên bố mập mờ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về việc tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ vào tháng 9 tới. Mỹ thắt chặt tiền tệ sẽ dẫn đến dòng vốn tháo chạy khỏi những nền kinh tế mới nổi lớn, khiến các DN và chính quyền phải chật vật để trả những khoản nợ bằng USD.

Phản ứng thái quá

Tuy nhiên, phản ứng của thị trường ngày 25/8 cho thấy các nhà đầu tư trong vài tuần qua đã phản ứng “thái quá” so với tình hình kinh tế thực tế. Chỉ số Shanghai Composite dù lao dốc vẫn cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái 43%. Tỷ lệ giới nhà giàu Trung Quốc trữ tiền trong TTCK khá thấp, thay vào đó hầu hết đổ vào bất động sản, thị trường đã khá bình ổn trong những tháng gần đây. Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa dốc toàn lực để can thiệp vào thị trường, vẫn còn room để giảm dự trữ bắt buộc của hệ thống ngân hàng.

Các đồng tiền khu vực châu Á đã giảm mạnh do những động thái tiến tới giảm lãi suất của FED. Đồng ringgit của Malaysia giảm 19% kể từ đầu tháng 5, trong khi đồng Rupiah của Indonesia giảm 8%. Nhiều nhà đầu tư từng lo sợ rằng thị trường đang có đầy đủ dấu hiệu tương tự cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997. Tuy nhiên, chính quyền nhiều nước châu Á đã lường trước được những dấu hiệu này và có những điều chỉnh thích hợp. Chính sách neo tỷ giá – thủ phạm của cuộc khủng hoảng tài chính thập niên 1990 đã được thay thế bằng các hệ thống tỷ giá thả nổi, linh hoạt và mạnh mẽ hơn trước khủng hoảng kết hợp với dự trữ ngoại hối lớn và hệ thống tài chính khỏe mạnh hơn. Kịch bản năm 2008 cũng sẽ khó lặp lại bởi hệ thống ngân hàng toàn cầu đã vững vàng hơn, không còn những tài sản rủi ro bị định giá sai lệch hay các định chế tài chính mỏng manh như giai đoạn này.

Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu đang nằm giữa “ngã ba đường” của một loạt sự chuyển dịch về chính sách của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do đó, niềm tin lung lay và nghi ngại là hiển nhiên, trong ngắn hạn, TTCK sẽ chưa thể ổn định.