Trung Quốc “hút” đầu tư Trung Á

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 14/12, tại khu mỏ khai thác khí đốt Samandepe của Turkmenistan (gần biên giới Uzbekistann), các nhà lãnh đạo 4 nước: Trung Quốc, Turkmenistan, Kazakhstan, Uzbekistan đã cắt băng khánh thành "tuyến đường ống dẫn khí đốt thế kỷ" nối khu vực Trung Á với Trung Quốc.

KTĐT - Ngày 14/12, tại khu mỏ khai thác khí đốt Samandepe của Turkmenistan (gần biên giới Uzbekistann), các nhà lãnh đạo 4 nước: Trung Quốc, Turkmenistan, Kazakhstan, Uzbekistan đã cắt băng khánh thành "tuyến đường ống dẫn khí đốt thế kỷ" nối khu vực Trung Á với Trung Quốc.
        
Hệ thống đường ống này có tổng chiều dài gần 7.000 km, với 188 km chạy qua Turkmenistan, 525 km qua Uzbekistan, 1.293 km qua Kazakhstan và 4.860 km chạy trên lãnh thổ Trung Quốc. Hệ thống này gồm 2 đường ống, đường ống thứ nhất có chiều dài 1.833 km nối khu mỏ khai thác khí đốt Samandepe với khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, đi qua lãnh thổ hai nước Uzbekistan và Kazakhstan. Theo kế hoạch, đường ống còn lại sẽ đi vào vận hành trong năm tới.      
     
Hệ thống đường ống này khi đi vào vận hành sẽ cho phép Turkmenistan cung cấp cho thị trường tiêu thụ năng lượng khổng lồ Trung Quốc 40 tỷ mét khối khí đốt/năm, và dự kiến công suất tối đa này sẽ đạt được vào năm 2012. Hệ thống đường ống dẫn Trung Á - Trung Quốc này sẽ được kết nối với mạng lưới ống dẫn khí đốt tự nhiên của Trung Quốc và vì vậy có thể dẫn khí đốt trực tiếp từ Turkmenistan đến các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Châu, Hồng Kông... 
      
Trước đó, Tổng thống Turkmenistan, Gurbanguly Berdymuhamedov đã tuyên bố rằng, nước ông sẽ cung cấp cho Trung Quốc 40 tỷ m3 khí đốt/năm, trong vòng 30 năm.

Các mỏ khí đốt của Turkmesnistan được coi là thuộc vào loại lớn nhất thế giới và hiện giờ gần như toàn bộ khí đốt của nước này được xuất sang Nga, qua các đường ống cũ có từ thời Liên Xô. Nhưng vào tháng tư vừa qua, một vụ nổ đã xảy ra trên một đường ống dẫn khí này đã gây nên tranh chấp giữa tập đoàn khí đốt Nga Gazprom với Turkmenistan, khiến xuất khẩu khí đốt của nước này bị ngưng trệ gần như hoàn toàn. Cho nên, chính quyền Turkmenistan buộc phải nhanh chóng tìm những con đường khác để thay thế con đường đi qua Nga. 

 Để giành ảnh hưởng, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đổ vào Trung Á không biết bao nhiều là tiền, nhất là trong năm nay, Bắc Kinh đã cho Kazakhstan vay 10 tỷ USD, và đã cấp một khoản tín dụng 4 tỷ USD cho Turkmenistan để phát triển mỏ khí đốt nằm ở Nam Yolotan. Các tập đoàn của Trung Quốc cũng đã đầu tư rất nhiều vào khu vực năng lượng ở vùng Trung Á. Theo tính toán khiêm tốn nhất, tiềm năng dự trữ của Kazakhstan là khoảng 6 nghìn tỷ m3, còn dự trữ của Turmenistan cũng gần 8 nghìn tỷ m3. Dữ trữ thăm dò của Uzbekistan khiêm tốn hơn hai nước láng giềng.
 
Đối với các nước Trung Á, đường ống dẫn khí mới được khánh thành là đường ống dẫn khí quan trọng đầu tiên không đi ngang qua lãnh thổ Nga. Đường ống dẫn khí này sẽ giúp các nước trong khu vực thoát dần khỏi ảnh hưởng của Nga. Nhưng không chỉ là một thách đố đối với Nga, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Trung Á cũng gây lo ngại đặc biệt cho các nước phương Tây, vốn cũng đang muốn nhảy vào khu vực giàu năng lượng này để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Theo đánh giá của các chuyên gia, giá thành xây dựng đường ống này là vào khoảng 7 tỷ USD. Đối với Trung Quốc con số đó là không phải là lớn lắm, nhưng để hoạt động hết công suất thì đòi hỏi phải chờ mấy năm nữa.

Trước đây, hàng năm Nga mua của Turkmenistan 50 tỷ m3 khí đốt để xuất khẩu sang Ukraina và châu Âu, tức là khoảng 2/3 khối lượng khai thác của nước này. Gasprom cũng mua khí đốt của Kazakhstan. Có thể thấy rằng tiềm năng của các nước đó lớn hơn so với khả năng của các nhà nhập khẩu Nga.

Mátxcơva cũng có nguyện vọng đa phương hóa sự xuất khẩu nhiên liệu năng lượng của mình. Tới đây Nga sẽ xây hệ thống dẫn khí đốt theo hướng Đông, trước hết là đến thị trường Trung Quốc, quốc gia đang trở thành nhà nhập khẩu năng lượng số 1 trên thế giới.
        
Phát biểu liên quan sự kiện này, Thủ tướng Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng 12 này đã khẳng định tuyến đường ống Turkmenistan - Trung Quốc đi vào hoạt động sẽ không ảnh hưởng tới các kế hoạch Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc.

       

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần