Trung Quốc mở rộng đầu tư cảng biển, Châu Âu "thua" trên sân nhà

Hương Thảo (SCMP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có lo ngại các khoản đầu tư vào cảng biển từ Trung Quốc mở rộng tại châu Âu.

Việc Trung Quốc liên tiếp mở rộng các thương vụ cảng biển ở nước ngoài  dấy lên lo ngại Bắc Kinh sẽ thông qua đó mở rộng ảnh hưởng.

Trung Quốc đã tăng đáng kể đầu tư trên toàn cầu, đặc biệt là vào cơ sở hạ tầng hàng hải.

Các công ty tiên phong của Trung Quốc như Cosco Shipping Ports và China Merchants Port Holdings đang tiến hành mua lại cổ phiếu hoặc ký thỏa thuận xây dựng nhà ga tại các cảng biển ở nước ngoài.

Cosco bắt đầu khai thác một cảng container tại Piraeus, Hy Lạp vào năm 2008, khi chính phủ Hy Lạp gần như đã phá sản. Bắc Kinh từ đó dần trở thành một "ông lớn" trong ngành kinh doanh cảng biển ở châu Âu.
Cảng Piraeus của Hy Lạp ngày 31/1/2015. Ảnh: AFP 

Trung Quốc đến nay đang giữ thị phần tại 3 cảng lớn nhất châu Âu, gồm Euromax tại Rotterdam, Hà Lan, sở hữu 35% cổ phần; Antwerp ở Bỉ, giữ 20% cổ phần; và tiến hành xây một bến mới tại cảng Hamburg của Đức.

Làn sóng đầu tư của Trung Quốc đang giúp phát triển một số cảng này. Ví dụ, tại Piraeus, đầu tư của Trung Quốc trong năm 2016 đã mang lại sự tăng trưởng thương mại đáng kể khi cảng này leo lên vị trí thứ 7 châu Âu một năm sau đó nhờ sản lượng container tăng gấp 8 lần năm trước và lợi nhuận trước thuế tăng 92%.

Tuy nhiên, việc đầu tư vào các cảng biển của Bắc Kinh cũng vấp phải nghi ngại.

Tại Israel, nơi Trung Quốc đang xây dựng hai cảng mới ở Haifa và Ashdod, các học giả địa phương đã kêu gọi chính phủ phải đánh giá khả năng Trung Quốc có thể tham gia vào nền kinh tế mà không ảnh hưởng đến lợi ích an ninh quốc gia.

Shaul Chorev, cựu đô đốc Hải quân Israel, cũng là một trong số những người tin rằng chính phủ Israel nên đánh giá về khía cạnh an ninh quốc gia đối với hợp đồng của Trung Quốc.

"Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng tìm cách thúc đẩy sự phát triển kinh tế, ngoại giao và quân sự của nước này để thiết lập ưu thế khu vực và mở rộng ảnh hưởng quốc tế", ông Chorev nói.

Ông Frans-Paul van der Putten, một nghiên cứu viên cấp cao của Viện Quan hệ Quốc tế Hà Lan, cho biết, Trung Quốc có thể tận dụng sự tham gia của mình vào các cảng châu Âu để tạo ảnh hưởng với các nước thành viên.

Hoạt động đầu tư cảng biển của Trung Quốc cũng gây ra phản ứng từ phía Mỹ, bởi nó đe dọa vấn đề bảo mật thông tin và an ninh mạng, Gary Roughead, cựu đô đốc hải quân Mỹ, phát biểu tại một hội thảo gần đây.

"Các nhà khai thác cảng Trung Quốc sẽ có thể theo dõi chặt chẽ các hoạt động của tàu thuyền Mỹ, nhận thức được các hoạt động bảo trì, có quyền truy cập vào các thiết bị đến và đi từ các điểm sửa chữa hay tương tác một cách tự do với các thủy thủ của chúng ta trong một thời gian dài", ông Roughead nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần