Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc ngang ngược xác nhận đưa vũ khí ra đảo Phú Lâm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/2, giới chức Trung Quốc đã xác nhận việc đưa vũ khí ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế.

Hành động này của Trung Quốc lại một lần nữa cho thấy, nước này lại “nói một đằng, làm một nẻo”.
Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước đó, tờ Fox News, Mỹ đã đưa tin đầu tiên về việc Trung Quốc đưa các bệ phóng tên lửa ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Tờ này đăng hình ảnh từ vệ tinh của Công ty Imagesat International cho thấy, 8 bệ phóng tên lửa và một hệ thống radar xuất hiện ở đảo Phú Lâm.

Ngay sau đó, các nước đã đồng loạt lên án hành vi quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông, mặc dù chưa có xác nhận từ phía Trung Quốc. Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, sẽ theo dõi vấn đề này một cách chặt chẽ và kêu gọi các bên dừng các hoạt động cải tạo, xây dựng và quân sự hóa các thực thể tại khu vực Biển Đông. Về phía Đài Loan, Trung Quốc, Thiếu tướng David Lo trả lời phóng viên hãng Reuters rằng, các bên liên quan nên làm việc với nhau để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông và tránh mọi hành động đơn phương có thể gia tăng căng thẳng.

Sau đó, phía Trung Quốc đã có phản ứng khá “mập mờ”. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, báo cáo về việc tên lửa được triển khai tại đảo tranh chấp trong khu vực Biển Đông hoàn toàn là sự thêu dệt được tạo ra bởi truyền thông phương tây. Ngay ngày hôm sau, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, nước này "đã triển khai vũ khí trên đảo Phú Lâm trong một thời gian dài" nhưng không nói rõ trên đảo có những vũ khí gì.

Động thái này lại một lần nữa cho thấy sự bất nhất trong phát ngôn và hành động của Trung Quốc, đồng thời đi ngược lại tuyên bố phi quân sự hóa ở Biển Đông mà chính nước này đã tuyên bố.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu: “Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở Trung Quốc rằng các quy định phi quân sự hóa Biển Đông phải được áp dụng với tất cả các nước”. Ngoại trưởng Mỹ cũng lưu ý, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Mỹ vào cuối năm ngoái, ông đã cam kết, Trung Quốc sẽ không quân sự hóa ở Biển Đông. Ông Kerry hy vọng, Bắc Kinh sẽ giữ lời hứa, không đơn phương giải quyết các tranh chấp trên biển bằng sức mạnh hay quân sự hóa mà bằng cách hợp tác với các quốc gia khác.

Ông Ashley Townshend, giảng viên thỉnh giảng tại Trung tâm Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương và Đại học Quản trị Phục Đán Thượng Hải khẳng định, việc Trung Quốc đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm là hành động khiêu khích rõ ràng.

“Việc triển khai tên lửa cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện diện quân sự trong khu vực nhằm hiện thực yêu sách đường lưỡi bò mà Trung Quốc đang theo đuổi” - ông Townshend nói.

Hành động này không những làm xấu vị thế của một nước lớn trên trường quốc tế mà thậm chí còn có tác động tiêu cực với Trung Quốc trong bối cảnh các nước láng giềng đang đoàn kết lại để hạn chế ảnh hưởng của nước này.

Chính quyền Washington cho biết, các động thái này đe dọa tự do đi lại trong khu vực hàng hải chiến lược và sẽ điều tàu chiến đến gần các đảo tranh chấp để thực thi tự do hàng hải.

Bà Amy Searight - Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khu vực Nam và Đông Nam Á cho biết, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc phải sẵn sàng ủng hộ Philippines và các nước ASEAN để đảm bảo tất cả các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Còn ông Klaus Botzet, người đứng đầu bộ phận chính trị của Phái đoàn EU tại Washington nhận định, chính sách quân sự của Trung Quốc, đang buộc các nước láng giềng phải liên kết chống lại chính nước này.