Trung Quốc ngừng "truy vết Covid" trên điện thoại di động của người dân

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc ngày 13/12 chính thức cho dừng hoạt động ứng dụng theo dõi hành trình trên điện thoại di động của người dân, sau gần 3 năm áp dụng để kiểm soát virus. Đây là một bước mới cho thấy quốc gia này đang dần thoát khỏi chính sách "zero-Covid" áp dụng lâu nay.

Ra mắt vào tháng 2/2020, ứng dụng theo dõi này bắt buộc các cá nhân phải đăng ký bằng tên thật và số điện thoại di động của họ. Ảnh: Nikkei Asia
Ra mắt vào tháng 2/2020, ứng dụng theo dõi này bắt buộc các cá nhân phải đăng ký bằng tên thật và số điện thoại di động của họ. Ảnh: Nikkei Asia

Theo thông báo từ nhà điều hành, ứng dụng chính thức ngừng hoạt động theo lệnh của Hội đồng Nhà nước kể từ ngày 13/12. Tất cả dữ liệu người dùng trong hệ thống sẽ bị xóa để bảo vệ quyền riêng tư - theo  trang web tin tức Caixin có trụ sở tại Bắc Kinh.

Ứng dụng theo dõi hành trình trên di động, có thể được người dùng truy cập qua tin nhắn văn bản, trang web và các ứng dụng như WeChat và Alipay, được đồng phát triển bởi Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc và ba nhà mạng viễn thông nhà nước của Trung Quốc để theo dõi lịch sử đi lại của người sử dụng dữ liệu điện thoại di động nhằm xác định những người đã đi đến những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

Việc ngừng hoạt động của ứng dụng này cho thấy Trung Quốc đang thay đổi dần các phương thức kiểm soát đối với đại dịch, đặc biệt là với chính sách zero-covid đã kéo dài trong ba năm. Minh chứng rõ ràng nhất là nước này ban hành hàng loạt chính sách tháo gỡ, nới lỏng hạn chế phòng chống dịch ngay việc từ đầu tháng 11.

Ra mắt vào tháng 2/2020, ứng dụng này bắt buộc các cá nhân phải đăng ký bằng tên thật và số điện thoại di động của họ. Nó bắt đầu theo dõi lịch sử du lịch của người dùng trong 14 ngày gần đây nhất. Vào tháng 7, khoảng thời gian này đã được rút ngắn xuống còn bảy ngày theo những hướng dẫn kiểm soát Covid của Trung Quốc. Tính đến ngày 26/ 5,  đã có 55,6 tỷ lượt tìm kiếm đã được thực hiện trong ứng dụng này - theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT).

Trong thời gian theo dõi,  những người đã từng ở các thành phố được chính quyền liệt kê là những nơi có “rủi ro cao” sẽ có dấu hoa thị được thêm vào thẻ hành trình của họ. Nhưng do các vấn đề kỹ thuật, hệ thống thường không xác định được chính xác các vị trí và đôi khi lại gắn thẻ đối với những người chỉ đến gần các khu vực rủi ro.

Giá trị của ứng dụng này đang giảm sút trong những tháng gần đây khi mà các các quan chức thực hiện cam kết không sử dụng các biện pháp kiểm soát quá mức đối với việc di chuyển của người dân. Vào hôm 29/6, MIIT đã thu hồi chức năng dấu hoa thị của hệ thống.

Trong khi ứng dụng theo dõi hành trình sắp kết thúc, các phần mềm trong “hệ sinh thái kỹ thuật số” khác nhằm hỗ trợ y tế kiểm soát dịch bệnh vẫn được duy trì, trong đó mã y tế kỹ thuật số vẫn được sử dụng phổ biến.

Kể từ năm 2020, nhiều khu vực trên khắp Trung Quốc đã thiết lập hệ thống mã y tế để thu thập thông tin di chuyển cá nhân của người dân và phương pháp xét nghiệm dựa trên axit nucleic để xác định xem họ có nguy cơ lây nhiễm hay không. Nếu kết quả hiển thị là mã màu xanh lá cây thì ít nhiều người xét nghiệm có thể được đi lại tự do, còn nếu hiện mã màu vàng hoặc đỏ thì buộc người đó phải tuân theo những hạn chế khác nhau, gồm cả việc bị cấm đi lại hoặc bị buộc phải cách ly tập trung.

Một số dấu hiệu cho thấy mã y tế cũng đang dần bị loại bỏ khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Vào hôm 7/12, Hội đồng Nhà nước đã công bố hướng dẫn cần gỡ bỏ 10 điểm đối với các biện pháp hạn chế covid nghiêm ngặt nhất của quốc gia này, trong đó có cả yêu cầu buộc mọi người phải xuất trình mã số y tế để vào các nơi công cộng.

Mã y tế là một phần mềm khẩn cấp được chính phủ sử dụng để kiểm soát đại dịch. Nhưng khi đại dịch kết thúc, không có lý do gì để tiếp tục thu thập dữ liệu di chuyển riêng tư và tất cả dữ liệu được lưu trữ trước đó nên bị xóa - các chuyên gia cho biết.