Trung Quốc: Những hiểu lầm khi tránh thai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Người Trung Quốc sử dụng nhiều cách tránh thai khác, như dùng bao cao su, thắt ống dẫn tinh và vòng tránh thai.

KTĐT - Người Trung Quốc sử dụng nhiều cách tránh thai khác, như dùng bao cao su, thắt ống dẫn tinh và vòng tránh thai.

Hai tuần sau khi nhận được công việc thú vị mới tại một công ty kinh doanh toàn cầu, Lin Yanping phát hiện mình có bầu. Với bà mẹ của cậu con 4 tuổi này, cái tin mới không hề được chào đón.

Mặc dù thừa nhận không hề dùng biện pháp tránh thai nào, song người phụ nữ 30 tuổi này cho biết chị cảm thấy rất tự tin vào nguyệt san ổn định của mình, rằng sẽ tính toán được "lúc nào là an toàn".

Chị đã nhầm. Bác sĩ nhanh chóng chỉ ra rằng chu kỳ kinh nguyệt có thể bị ảnh hưởng lớn ở những thời điểm căng thẳng - chẳng hạn như khi bắt đầu một công việc mới.

Lin đã phá thai, cho rằng lần dính bầu này chỉ là không may mắn. Tuy nhiên, đến tận bây giờ chị vẫn thích tin vào cách tính vòng kinh của mình, thay cho việc dùng các loại thuốc tránh thai.

Rất nhiều người sợ dùng thuốc tránh thai hàng ngày, vì ngại phức tạp và sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ lại nhầm tưởng rằng thuốc tránh thai khẩn cấp là hiệu quả nhất.

50 năm qua, thuốc tránh thai đã trở thành phương tiện bảo vệ hữu hiệu ở nhiều nước phát triển, tuy nhiên, người dân ở các nước đang phát triển, trong đó có Trung Quốc, vẫn còn những hiểu lầm về vấn đề này.

"Uống thuốc tránh thai là đi ngược lại với tự nhiên, và tôi sợ nó ảnh hưởng đến sức khỏe của mình", Lin cho biết. "Ngoài ra, thuốc phải uống hàng ngày, quá phức tạp và tôi hay quên".

Phản ứng như Liu không phải là cá biệt. Theo một cuộc khảo sát trên mạng do Trung tâm Truyền thông Dân số Trung Quốc thực hiện năm 2009, 67% trong số 8.500 người trả lời lo ngại về tác dụng phụ của thuốc tránh thai.

Những lo ngại khác bao gồm sự phức tạp khi phải uống hàng ngày và sợ nó không hiệu quả.

Kết quả là, chỉ có 1,7% các phụ nữ đã lập gia đình tuổi từ 15 đến 49 ở nước này sử dụng thuốc tránh thai. Con số này quá nhỏ so với 41% ở Hà Lan, 29% ở Anh và 18% ở Mỹ.

Người Trung Quốc sử dụng nhiều cách tránh thai khác, như dùng bao cao su, thắt ống dẫn tinh và vòng tránh thai.

Tuy nhiên, bao cao su - mặc dù phổ biến hơn dùng thuốc - lại không chắc chắn trong việc ngừa thai.

Các thử nghiệm lâm sàng trên 100 phụ nữ trong một năm đã cho thấy: trung bình có 12 người mang bầu ngoài ý muốn, thì 2 trong số đó là do sử dụng bao cao su. Con số này giảm xuống chỉ còn 0,1 - 1% ở nhóm sử dụng thuốc tránh thai.

Tuy nhiên, hầu hết mọi người không để ý đến những thông tin này. "Chị em nói chung hiểu lầm rất nhiều về hoóc môn và thuốc tránh thai", Cheng Linan, chủ tịch Hội kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cho biết.

Một khảo sát trên 1.300 phụ nữ và 233 đàn ông ở 7 thành phố lớn từ năm 2003 đến 2005 phát hiện thấy phần lớn nghĩ rằng uống thuốc ngừa thai hàng ngày sẽ dẫn tới vô sinh, nhiều người phàn nàn họ tăng cân và rối loạn nội tiết. Một số còn sợ rằng nó sẽ gây ung thư.

"Tất cả các loại thuốc đều độc hại ở mức độ nào đó", Hu Jing, một biên tập viên 27 tuổi cho một tạp chí tuần ở Bắc Kinh, cho biết. Cô bảo bạn trai cô không đồng ý để cô uống thuốc vì "những nguy cơ sức khỏe".

Những hiểu lầm như vậy không chỉ phổ biến trong cộng đồng, mà còn trong chính giới y học.

Khi Hu còn học đại học, một giáo sư về y khoa từng bảo cô trong một bài học giới tính rằng thuốc tránh thai gây trầm cảm nhẹ.

Nghiên cứu của Viện Kỹ thuật kế hoạch hóa gia đình Thượng Hải cũng tìm thấy chưa đầy 3% bác sĩ sản khoa ở thành phố này sử dụng thuốc ngừa thai.

Một câu chuyện trên mạng gần đây còn kể lại tình huống gây sốc: một cô gái mô tả sau hơn 1 năm dùng thuốc tranh thai, cô này đã mất hứng thú với sex. 4 năm sau đó, cô dừng thuốc và gần như rơi vào tình trạng mãn kinh ngay, và bị bác sĩ chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang - nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh.

Câu chuyện đã nhận được rất nhiều những quan tâm, lo lắng tương tự, và được truyền cho nhau để "cảnh báo người khác".

"Những thông tin hiểu lầm trên internet như thế đã đi quá xa tác dụng phụ của thuốc ngừa thai", chủ tịch Hội kế hoạch hóa gia đình Cheng Linan nói. "Thuốc ngừa thai an toàn với phụ nữ không bị huyết áp cao, bệnh tim mạch hoặc tiểu đường nặng", bà nói.

"Bản chất nỗi sợ hãi của cộng đồng này là sự thiếu kiến thức về tình dục", bà nhấn mạnh với China Daily.

Bài học đắt giá

Trong khi giới trẻ cởi mở hơn với tình dục, thì nhiều người vẫn còn rất mơ hồ về các kiến thức sinh sản. Điều này dẫn tới việc giới trẻ thường xuyên sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp - còn được gọi là "thuốc sáng hôm sau" - một dạng của thuốc ngừa thai, nhưng nồng độ lớn hơn nhiều.

Khảo sát của IMS Health, một công ty tư vấn quốc tế, cho thấy việc bán thuốc ngừa thai không theo đơn mang lại 444 triệu tệ ở 21 thành phố lớn của Trung Quốc trong năm 2009. Đặc biệt, thuốc ngừa thai khẩn cấp chiếm đến 70% của thị trường này.

"Chúng tôi bán ít nhất 5 hộp thuốc ngừa thai khẩn cấp trong một ngày bình thường, và hơn một tá vào ngày bận rộn", một đại diện cửa hàng dược ở Bắc Kinh cho biết. Đối tượng mua từ 20 đến 25 tuổi.

Một sinh viên tốt nghiệp giấu tên ở Bắc Kinh cho biết cô dùng thuốc khẩn cấp sau tất cả các lần "gặp gỡ" bạn trai, tức là hơn 10 lần một năm. Lo lắng về tác hại của việc này, cô gửi email cho một bác sĩ, người đã khuyên cô nên dùng thuốc tránh thai hàng ngày, thay cho cách "chụp giật" như vậy.

Các chuyên gia cũng nhất trí rằng việc thiếu kiến thức về tình dục đã ngăn cản nhiều người tiếp cận với lựa chọn phù hợp.

Cuộc khảo sát trên màng của Trung tâm dân số trong năm 2009 cho thấy: 49% người trả lời nghĩ rằng viên thuốc khẩn cấp là cách tránh thai hiệu quả nhất.

Những bài học giáo dục giới tính trong trường học hiện nay cũng thường là thông tin về giới, khoa học sinh sản... thay vì mở rộng đến các vấn đề nhạy cảm như tránh thai và bệnh lây qua đường tình dục.

Tự do tình dục và hệ quả khôn lường

Từ cuối thập kỷ 1980, cuộc cách mạng tình dục đã bắt đầu xảy ra ở Trung Quốc. Khảo sát năm 2006 cho thấy, 51% người độc thân nước này đã quan hệ trước hôn nhân, tăng 7,9% mỗi năm kể từ năm 2000.

Còn cuộc điều tra năm 2009 của Đại học Bắc Kinh cũng tìm thấy 22% trong số người từ 15 đến 24 tuổi có làm "chuyện ấy" trước khi cưới, và hơn 20% từng có thai ngoài ý muốn. Trong số này, 91% kéo nhau đi phá thai.

Lứa tuổi phá thai theo đó cũng giảm xuống nhanh chóng.

Tờ People's Daily cho biết hiện tượng các em gái 11 tuổi đi đến phòng kế hoạch hóa gia đình đã trở nên phổ biến. Tại khu tự trị Choang Quảng Tây, một bé gái 9 tuổi cũng đã đi phá bỏ mầm sống trong bụng mình.

Green Apple, đường dây nóng ở Trung Quốc chuyên tư vấn cho học sinh, nhận được hơn 100 cuộc gọi mỗi tuần về vấn đề mang thai sau mỗi kỳ nghỉ hè. Các nhân viên từng nhận được cuộc gọi của bé gái 14 tuổi, từng phải cắt bỏ tử cung do hệ quả của 3 lần có bầu.

Số liệu của Bộ Y tế Trung Quốc cho thấy hơn 9 triệu ca phá thai được thực hiện ở nước này trong năm 2008, so với 7,6 triệu ca trong năm 2007. Trong số người đến làm thủ thuật này, gần một nửa là phụ nữ chưa có con.

"Tất cả những phụ nữ này sẽ phải có con trong tương lai, họ cần hết sức lưu ý đến những hệ quả xấu của việc nạo hút gây ảnh hưởng đến việc làm mẹ", Wu Shangchun - chuyên gia của Viện nghiên cứu kế hoạch hóa gia đình quốc gia - nhấn mạnh.

"Bằng cách uống thuốc tránh thai hàng ngày, họ sẽ được bảo vệ khỏi tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá bỏ nó".