Trung Quốc quyết tâm thay đổi “về chất” nền kinh tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/3, kỳ họp thường niên Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc (CPPCC) đã khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh. Chỉ 2 ngày sau, kỳ họp Quốc hội thường niên (NPC) khóa XII cũng sẽ mở màn.

Hai kỳ họp này đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả các chính sách của Chính phủ Trung Quốc trong những năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có sự sụt giảm đáng kể.

Quyết tâm cải cách cấu trúc nền kinh tế

Dự kiến các hội nghị năm nay sẽ tập trung rà soát nội dung kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020) của Trung Quốc. Một trong những nội dung quan trọng là sự chuyển đổi của nền kinh tế Trung Quốc từ sản xuất thu nhập thấp dựa vào xuất khẩu và đầu tư sang nền kinh tế thu nhập trung bình dựa vào dịch vụ, tiêu dùng.
Kỳ họp Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc.
Kỳ họp Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc.
Đây cũng là dịp để giới lãnh đạo Trung Quốc đánh giá những thay đổi kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào cuối năm 2012, như chiến dịch chống tham nhũng, chương trình cải cách quân đội hay quy định chặt chẽ đối với hành vi của đảng viên…

Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 được coi là một trong những mốc quan trọng bởi đây là bản Kế hoạch đầu tiên được soạn thảo dưới sự lãnh đạo của chính phủ hiện tại, và cũng là Kế hoạch 5 năm đầu tiên kể từ khi nền kinh tế của Trung Quốc bước vào chính sách kinh tế mới, dựa vào tăng trưởng từ tiêu thụ trong nước nhiều hơn là xuất khẩu. Tầm quan trọng của kế hoạch này cũng nằm trong thực tế rằng nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vẫn còn phải đối mặt với áp lực sụt giảm và trải qua những cải cách cơ cấu trong bối cảnh phục hồi toàn cầu vẫn hết sức mong manh, với tốc độ GDP năm 2015 chỉ là 6,9%, thấp nhất trong một phần tư thế kỷ.

Các mục tiêu chiến lược đầy tham vọng mà lãnh đạo Trung Quốc đặt ra qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 là đưa Trung Quốc thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và tham gia các nền kinh tế có thu nhập cao. Cụ thể là tăng gấp đôi GDP và thu nhập bình quân đầu người trong năm 2020 so với năm 2010; đưa 70 triệu người ra khỏi cảnh đói nghèo. Ông Vương Quốc Khánh, người phát ngôn báo chí của kỳ họp Chính hiệp, khẳng định kinh tế Trung Quốc sẽ không “hạ cánh cứng” và các nguyên tắc cơ bản dài hạn vẫn không thay đổi.

Căng thẳng ở Biển Đông

Tại cuộc họp báo Quốc hội, Người phát ngôn của Quốc hội Trung Quốc Phó Oánh đã đề cập đến căng thẳng trên Biển Đông đã “tố ngược” rằng Mỹ mới là bên quân sự hóa tại Biển Đông và đổ lỗi cho truyền thông nước ngoài đã “thổi phồng” diễn biến trên Biển Đông.

Cụ thể, bà Phó Oánh đổ lỗi, các cuộc tuần tra của Mỹ gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng. Người phát ngôn của Quốc hội cũng lớn tiếng chỉ trích truyền thông nước ngoài “thổi phồng” các diễn biến tại Biển Đông, khiến các nước “hiểu nhầm” về tình hình. “Nếu xem xét kỹ vấn đề thì Mỹ mới là bên đưa các tàu chiến và máy bay hiện đại nhất tới Biển Đông” - bà Phó Oánh phát biểu. Không những vậy, bà Oánh còn trắng trợn bao biện cho các hành vi xây dựng trái phép tại 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam là các hành động để bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc.