Trung Quốc "rửa" tiếng xấu nhờ tuyến tàu cao tốc mới ở Indonesia?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà ga Halim ở Jakarta, Indonesia, gần đây thu hút đông đảo người dân đến chụp ảnh đoàn tàu cao tốc mới cập bến. Hành khách tỏ ra ấn tượng với công nghệ đường sắt từ Trung Quốc, thay đổi đáng kể những ác cảm trước đó của người dân địa phương.

Người dân Indonesia chụp ảnh trước đoàn tàu cao tốc Jakarta - Bandung do Trung Quốc xây dựng. Ảnh: CGTN
Người dân Indonesia chụp ảnh trước đoàn tàu cao tốc Jakarta - Bandung do Trung Quốc xây dựng. Ảnh: CGTN

Khai trương vào tháng 10, tuyến đường sắt Whoosh nối thủ đô Jakarta với Bandung - thủ phủ tỉnh Tây Java - dài khoảng 140km. 

Đoàn tàu hiện đạt tốc độ tối đa 350 km/h trong khoảng 10 phút. Với độ ồn và độ rung thấp, một số hành khách đã tỏ ra thích thú với chuyến đi. "Tôi không thể tin được là chúng ta lại có thể đi nhanh đến thế" - một người lái tàu bình luận với Nikkei Asia.

Indonesia ban đầu từng cân nhắc khai thác công nghệ tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản, nhưng đã thay đổi vào phút chót và chọn một công ty Trung Quốc. Việc xây dựng dự án này, thuộc Sáng kiến ​​Vành đai - Con đường của Bắc Kinh, mất 7 năm để hoàn thành.

Tần suất phục vụ của Whoosh đã được cải thiện từ 8 chuyến tàu một ngày ban đầu lên 40 chuyến tàu/ngày. Nhà điều hành đường sắt cho biết, công suất sử dụng tàu trung bình kể từ khi khai trương đến đầu tháng 12 đạt 85% đến 90% trong tuần, và vượt 90% vào cuối tuần.

Hành khách có thể đặt và thanh toán vé trực tuyến, đồng thời có thể vào sân ga bằng cách cung cấp mã QR trên điện thoại của họ. Truyền thông địa phương đã đánh giá cao cơ sở vật chất tiên tiến của đường sắt cũng như công nghệ Trung Quốc, khi chúng tối ưu cả về tốc độ cao và mức độ tiếng ồn thấp.

Tuy nhiên, để đến được trung tâm Bandung, hành khách vẫn cần xuống một trạm trước trạm cuối cùng và chuyển sang tàu trung chuyển. Trong khi thời gian di chuyển trên đoạn đường cao tốc chỉ khoảng 30 phút thì hành trình đến trung tâm Bandung mất tổng cộng khoảng một giờ. Các chuyến tàu địa phương thường đông đúc và không còn chỗ trống, nhưng bất chấp những thách thức này, dịch vụ đường sắt ở Indonesia hiện nay nhìn chung được coi là thành công.

Trong quá trình xây dựng, sự chậm trễ trong việc khởi công và chi phí vượt mức đã gây ra những ác cảm nơi người dân Indonesia đối với nhà thầu Trung Quốc. Một số cuộc biểu tình cũng đã nổ ra nhằm phản đối lượng lớn công nhân Trung Quốc đổ vào nước này.

Theo một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), khi được hỏi liệu Trung Quốc có đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng quốc tế hay không, đa số người Indonesia đã đưa ra câu trả lời tiêu cực. Nhưng những cảm xúc như vậy có thể đang dần thay đổi.

Với việc Indonesia yêu cầu sự hỗ trợ của Trung Quốc để mở rộng đường sắt và mối quan hệ kinh tế song phương ngày càng bền chặt hơn, việc triển khai dịch vụ đường sắt đang bắt đầu có tác động đến cách người Indonesia nhìn nhận nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

"Việc mở tuyến đường sắt sẽ giúp nâng cao niềm tin của Indonesia vào Trung Quốc" - một hành khách nói với Nikkei.