Theo Reuters, các cơ quan giám sát tại Trung Quốc đã mua phần mềm được gọi là “một người, một tệp” do phần mềm hiện tại chỉ có khả năng thu thập dữ liệu mà chưa có chức năng sắp xếp. Hệ thống mới được cải tiến có khả năng tối ưu hóa độ chính xác khi lượng dữ liệu tăng lên, theo đó, hệ thống này có khả năng lưu trữ cả những khuôn mặt bị che một nửa, đeo khẩu trang, đeo kính hay ảnh chân dung có độ phân giải thấp.
Bắc Kinh cho rằng việc sử dụng các phần mềm giám sát có vai trò quan trọng trong phòng chống tội phạm và là mấu chốt trong việc chống lại sự lây lan của COVID-19. Tuy nhiên, việc làm của chính phủ nước này lại không nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).
Các nhà hoạt động của tổ chức này cho rằng Trung Quốc đang xâm phạm quyền riêng tư và nhắm mục tiêu không công bằng vào một số nhóm người nhất định, chẳng hạn như dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
9 cuộc đấu thầu chỉ ra rằng phần mềm được sử dụng với công nghệ nhận dạng khuôn mặt, có thể xác định liệu một người qua đường có phải là người Duy Ngô Nhĩ hay không, sau đó kết nối với hệ thống, báo cho cảnh sát và tạo ra các kho lưu trữ về khuôn mặt của người Duy Ngô Nhĩ để tạo điều kiện kiểm soát an ninh.
Trong vòng 4 năm, chính quyền các địa phương tại Trung Quốc đã mở ít nhất 50 cuộc đấu thầu, 32 trong số đó đã được mở thầu vào năm 2021, bao gồm những công ty công nghệ quen thuộc như Sensetime, Huawei, Megvii, Cloudwalk, Dahua và Baidu.
Lĩnh vực này phát triển nhanh chóng, cho đến năm 2021, Huawei, Sesetime và 26 công ty công nghệ khác của Trung Quốc đã nộp đơn đăng ký bằng sáng chế lên Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) trong công nghệ lưu trữ tệp và các thuật toán phân cụm hình ảnh.
Trung Quốc đã bao phủ các thành phố của mình bằng camera giám sát từ năm 2015, mô tả đây là “đôi mắt sắc bén”. Chính quyền nước này sẽ tiếp tục bao phủ camera cả ở các vùng nông thôn, nhằm nâng cấp mạng lưới giám sát trên khắp vùng lãnh thổ. Các cuộc đấu thầu đề cập đến sự cấp thiết để chống lại chủ nghĩa khủng bố và nhằm “duy trì sự ổn định”, nhưng đối với các nhà hoạt động nhân quyền, đây lại có nghĩa là “đàn áp bất đồng chính kiến”.
Ít nhất 4 trong số các nhà đấu thầu cho biết phần mềm sẽ có thể khai thác thông tin từ các tài khoản mạng xã hội của các cá nhân. Một nửa số đơn vị tham gia đấu thầu cho biết phần mềm sẽ được sử dụng để biên dịch và phân tích các đặc điểm nổi bật của từng người như họ hàng, vòng bạn bè, xã hội, xe cộ, tình trạng hôn nhân hay thậm chí là thói quen mua sắm.