Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc: tài xế giao đồ ăn chật vật giữa thị trường khốc liệt

Khánh Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù dẫn đầu thế giới về thị trường giao đồ ăn, song những tài xế giao hàng tại Trung Quốc vẫn phải vật lộn để đảm bảo thu nhập và duy trì cuộc sống.

Hình ảnh những người giao hàng (shipper) Trung Quốc đối đầu với khách, hay vượt đèn đỏ để giao hàng nhanh đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội nước này. Điều này phản ánh những áp lực mà họ đang phải đối mặt trong thị trường giao hàng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn khiến sức mua của người tiêu dùng giảm dần.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), GDP của nước này trong quý III chỉ tăng 4,6%, cho thấy nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại.

“Các shipper (người vận chuyển) đang làm việc quá sức dưới áp lực công việc lớn” - Tiến sĩ Jenny Chan, tại Đại học Bách khoa Hồng Kông chia sẻ. “Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn khi các nền tảng giao hàng luôn phải cạnh tranh để giảm chi phí”.

Các tài xế giao hàng của Meituan chạy quanh các khu văn phòng tại Quảng Châu, Trung Quốc vào các ngày trong tuần. Ảnh: Takashi Kawakami
Các tài xế giao hàng của Meituan chạy quanh các khu văn phòng tại Quảng Châu, Trung Quốc vào các ngày trong tuần. Ảnh: Takashi Kawakami

Do kinh tế khó khăn, người dân dần có xu hướng chọn đồ ăn rẻ hơn, khiến thu nhập của những tài xế giao hàng giảm sút. Điều này buộc các shipper phải làm việc nhiều giờ hơn để đảm bảo thu nhập. Trong khi đó, các nền tảng giao đồ ăn lại nắm quyền quyết định các chính sách, khiến họ khó có thể cải thiện điều kiện làm việc.

Kể từ khi ứng dụng giao đồ ăn Ele.me (thuộc Alibaba) ra đời vào năm 2009, Trung Quốc đã hình thành một đội ngũ shipper đông đảo lên tới 12 triệu người. Họ đã xây dựng nên một mạng lưới giao hàng khổng lồ, đáp ứng nhu cầu ăn uống của hàng triệu người dân, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh. Mặc dù công việc vất vả, shipper vẫn đóng vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực của nước này.

Năm 2023, thị trường giao đồ ăn của Trung Quốc đã đạt 214 tỷ USD, gấp 2,3 lần so với năm 2020, và dự kiến sẽ đạt 280 tỷ USD vào năm 2030. Sự bùng nổ của thị trường này đã tạo ra đội ngũ shipper đông đảo, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều áp lực về thời gian, khiến nhiều người phải tăng tốc, vượt đèn đỏ để giao hàng đúng giờ.

Năm ngoái, hai ông lớn trong ngành công nghiệp này, là Meituan và Ele.me đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, doanh thu của Meituan tăng 26%, đạt 10 tỷ USD, còn Alibaba (công ty mẹ của Ele.me) tăng 19% và đạt 8,3 tỷ USD cho dịch vụ nội địa.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây, thu nhập trung bình hàng tháng của những tài xế giao hàng tại Trung Quốc đã giảm đáng kể so với những năm trước. Mặc dù phải làm việc nhiều giờ hơn, họ chỉ kiếm được khoảng 6.803 nhân dân tệ (956 USD) mỗi tháng. Con số này thấp hơn gần 1.000 nhân dân tệ (140 USD) so với 5 năm trước. Trong khi đó, mức lương trung bình của người lao động Trung Quốc chỉ đạt khoảng 1.838 nhân dân tệ (258 USD).

Lu Sihang, 20 tuổi, cho biết anh phải làm việc 10 tiếng mỗi ngày để giao khoảng 30 đơn hàng, mỗi ca như thế anh kiếm được khoảng 30-40 USD. Để đạt mức thu nhập trung bình 950 USD, Lu gần như không có ngày nghỉ. Theo nhà kinh tế Gary Ng tại ngân hàng Natixis, điều này là do người tiêu dùng Trung Quốc đang thắt chặt và cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế suy giảm.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn khiến người dân dần cắt giảm chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn. Chính vì vậy, để thu hút khách hàng, các nhà hàng buộc phải giảm giá. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của shipper vì tiền lương của họ thường được tính dựa trên phần trăm giá trị đơn hàng. Khi khách hàng thắt chặt chi tiêu, họ cũng ít để lại tiền tip hơn.

Nền kinh tế suy giảm cũng khiến thị trường việc làm trở nên quá tải và cạnh tranh hơn. Theo thống kê, vào tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Trung Quốc đã tăng lên 18,8%, buộc nhiều người phải chấp nhận làm việc với mức lương thấp hơn.

Ông Ng giải thích: “Khi có quá nhiều người tìm việc mà số lượng công việc lại hạn chế, người lao động khó đòi hỏi quyền lợi và phải chấp nhận làm việc với mức lương thấp”.

Theo nghiên cứu của China Labour Bulletin, trước đây, các ứng dụng giao hàng phải trả lương cao để thu hút các tài xế. Nhưng khi chỉ còn vài ‘ông lớn’ thống trị thị trường, họ có thể tự do điều chỉnh chính sách làm việc, khiến người giao hàng mất đi nhiều quyền lợi.

Hiện nay, ngày càng nhiều nhà hàng ở Trung Quốc áp dụng những chính sách miễn phí giao hàng, thậm chí còn giảm giá cho khách hàng đến ăn trực tiếp hoặc hoặc mua mang về.

Đầu năm nay, nhiều tài xế giao hàng đã khiếu nại về việc bị phạt oan. Theo đó, một tài xế giao đồ ăn đã bị phạt 86 nhân dân tệ (12 USD) vì từ chối nhận một đơn hàng chưa được chuẩn bị đầy đủ, mặc dù anh đã thông báo trước.

Hơn nữa, việc nhận lương theo từng chuyến đi, thay vì lương tháng khiến những người giao đồ ăn bất chấp rủi ro để có thể giao càng nhiều đơn càng tốt, và tăng thêm thu nhập.

“Ai mà muốn liều lĩnh vượt đèn đỏ nếu có thể giao hàng an toàn? Nhưng họ không có lựa chọn nào khác” - tiến sĩ Chan nói.

Thực tế đã cho thấy, điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Năm 2019, một tài xế tại Bắc Kinh đã qua đời vì bị cây đổ đè trúng khi đang di chuyển. Mới đây, tại Hồ Nam, một vụ tai nạn giao thông khác đã xảy ra khi một người giao hàng vượt quá tốc độ và đâm vào một chiếc ô tô trên đường.

Anh Yang, tài xế giao hàng 35 tuổi, thừa nhận công việc giao hàng hiện tại không còn dễ dàng như trước. Tuy nhiên, anh vẫn chọn công việc này vì tính linh hoạt. “Công việc này cho phép mình chủ động về thời gian. Lúc nào muốn kiếm nhiều tiền hơn thì làm nhiều, còn lúc nào muốn nghỉ ngơi thì có thể làm ít lại” - Yang chia sẻ.