Theo hãng tin Bloomberg, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) cuối tuần trước cùng đưa ra một thông báo tới các tổ chức tài chính, công bố kế hoạch đảm bảo “sự phát triển ổn định và lành mạnh” của lĩnh vực bất động sản.
Không giống các biện pháp “nhỏ giọt” trước đó, gói giải cứu mới nhất bao gồm 16 biện pháp, từ giải quyết khủng hoảng thanh khoản mà các công ty phát triển bất động sản phải đối mặt, cho đến nới lỏng yêu cầu thanh toán đối với người mua nhà trả góp.
Một trong những giải pháp của kế hoạch giải cứu là các khoản vay ngân hàng chưa thanh toán của nhà đầu tư và các khoản vay tín chấp đến hạn trong vòng 6 tháng tới có thể được gia hạn thêm một năm, trong khi việc trả nợ trái phiếu của họ cũng có thể được gia hạn hoặc hoán đổi thông qua đàm phán giữa tổ chức phát hành và trái chủ.
Động thái mạnh mẽ này cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang nới lỏng các biện pháp siết chặt bất động sản kéo dài nhiều năm nay, một trong những lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bên cạnh chính sách “zero Covid”.
Chính phủ Trung Quốc hôm 11/11 cũng đã công bố một loạt biện pháp điều chỉnh lại cách ứng phó với dịch Covid-19 nhằm giảm thiểu tác động lên kinh tế và xã hội. Những sự thay đổi về chính sách “zero Covid” được kỳ vọng sẽ giảm bớt trở ngại kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế và tiếp sức cho thị trường bất động sản, theo Bloomberg.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản bằng một loạt biện pháp, bao gồm cắt giảm lãi suất, thúc giục các ngân hàng lớn tăng khoản tài trợ 1.000 tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) trong những tháng cuối năm đồng thời cung cấp các khoản vay đặc biệt thông qua các ngân hàng chính sách giúp hoàn thành nhiều dự án và sớm bàn giao cho người mua nhà.
Trong tuần qua, Trung Quốc cũng đưa ra một chương trình hỗ trợ tài chính có giá trị lên đến 250 tỷ nhân dân tệ, được thiết kế cho các công ty tư nhân, bao gồm cả công ty bất động sản, một động thái giúp doanh nghiệp bất động sản phát hành được nhiều trái phiếu hơn và giảm bớt khó khăn về thanh khoản.
Một trong những thay đổi chính sách lớn nhất trong kế hoạch giải cứu mới nhất là việc cho phép nới lỏng "tạm thời" các khoản vay ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản.
Chính phủ Trung Quốc bắt đầu áp đặt giới hạn các khoản vay ngân hàng cho bất động sản vào năm 2021, khi chính quyền Bắc Kinh tìm cách hạn chế rủi ro “bong bóng” của thị trường bất động sản. Những ngân hàng không đáp ứng các hạn chế hiện tại sẽ được cho thêm thời gian để đáp ứng các yêu cầu này.
Những tín hiệu nới lỏng cho ngành bất động sản và chính sách “zero-Covid” ngay lập tức đã giúp cổ phiếu bất động sản của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ. Theo công cụ phân tích dữ liệu chuyên sâu Bloomberg Intelligence, cổ phiếu của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc đã tăng 18% trong ngày 11/11, với Country Garden Holdings tăng thêm tới 35%.
Tuy nhiên, các công ty bất động sản Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khoản nợ đáo hạn. Ước tính các khoản vay trong nước và nước ngoài đáo hạn tính đến cuối năm 2023 lên tới 292 tỷ USD. Trong năm nay, con số phải trả vào khoảng 53,7 tỷ USD, còn quý I/2023 sẽ là 72,3 tỷ USD.
Thị trường nhà ở mới trị giá 2.400 tỷ USD của Trung Quốc hiện đang rất mong manh, các vụ vỡ nợ trên thị trường bất động sản đang có xu hướng gia tăng. Theo dữ liệu thống kê chính thức mới nhất, hồi tháng 9 năm nay giá nhà ở mới tại Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm lớn nhất trong gần 8 năm qua.